Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) vừa phối hợp với Tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đại biểu cấp tỉnh, huyện, xã của các ngành: LĐTB&XH, Công an, GD&ĐT, TT&TT trong cả nước.
Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em trao đổi về khung luật pháp chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo bà Nga, trong thời gian tới cần hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh để thu hút sự tham gia của trẻ em đối với việc tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng và phối hợp với bộ, ngành liên quan về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng tự vệ cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng. Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết.
Trong 3 năm (2021-2023), lực lượng công an đã khởi tố hình sự 484 vụ và 553 bị can; xử phạt hành chính 28 vụ, 49 chủ thể vi phạm; phối hợp với gia đình, nhà trường nhắc nhở, giáo dục, răn đe 76 vụ với 163 trường hợp vi phạm.
Các lực lượng đã ngăn chặn hàng chục nghìn trang mạng có nội dung độc hại đối với trẻ em. Bộ Công an đang tích cực triển khai ứng dụng di động “Phòng, chống xâm hại trẻ em” phục vụ tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trước các nguy hại trên môi trường mạng.
Cũng trong thời gian trên, có 1.300 cuộc gọi đến Tổng đài 111 với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó có 1.224 cuộc gọi tư vấn (tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em 366 cuộc; bóc lột tình dục 28 cuộc; trẻ em bị bạo lực, bắt nạt 132 cuộc; trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm 142 cuộc; cách sử dụng internet an toàn 477 cuộc…). Có 76 ca can thiệp với các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, trẻ em bị bóc lột, bạo lực, đưa hình ảnh trẻ em lên mạng và xúc phạm nhân phẩm. 185 lượt thông báo về kênh, clip có nội dung độc hại với trẻ em trên môi trường mạng.
HOÀNG LÊ