Trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn nóng từng ngày, bởi những rủi ro và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc với nhiều biện pháp, nhưng tình trạng nói trên vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm qua và kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nợ chồng nợ
Trong danh sách hơn 200 công ty, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 3 tháng trở lên vừa được BHXH tỉnh công bố, có những đơn vị chậm đóng với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng BHXH trong một thời gian dài, thậm chí từ năm này qua năm khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nhất là trong các trường hợp ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, nghỉ hưu…
Tại hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH do Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam tổ chức tại TP Tuy Hòa, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin, đến nay tổng số tiền doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước là gần 14.000 tỉ đồng.
Theo ông Nam, những đơn vị nợ đọng BHXH ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung đều là những doanh nghiệp có xu hướng gia tăng nợ theo thời gian do phát sinh lãi chậm đóng, gây ảnh hướng xấu đến an sinh. Nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, tìm cách lách luật để không tham gia BHXH cho người lao động.
Cũng có những đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, không phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu khi thanh tra làm việc, không chấp hành nộp tiền phạt theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.
Ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay việc các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện kế hoạch thu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
“Hàng nghìn lao động đã bị mất quyền hoặc chậm được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc gặp khó khăn trong việc chốt sổ khi hưởng chế độ hưu trí, tham gia bảo hiểm với đơn vị mới hay hưởng chế độ BHTN khi thôi việc... do đơn vị sử dụng lao động không đóng BHXH cho họ. Cơ quan BHXH đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ nhưng nhiều đơn vị vẫn không chấp hành; có đơn vị trả nợ kiểu nhỏ giọt, một số đơn vị khó có khả năng trả nợ vì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, ông Hiện nói.
Người lao động tra cứu thông tin nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: LỆ VĂN |
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp
Theo ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bởi ảnh hưởng dịch bệnh và suy thoái kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ, xây dựng, vận tải... Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hoặc ngừng hoạt động nên không có khả năng trích nộp đầy đủ, kịp thời tiền đóng BHXH cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH. Một số đơn vị mặc dù đã trích tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền đóng BHXH, kể cả phần trách nhiệm đóng của doanh nghiệp để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
“Đa phần người lao động không hề biết doanh nghiệp nơi họ làm việc đang trực tiếp sử dụng tiền họ đóng BHXH không đúng mục đích. Đến khi gặp tai nạn nghề nghiệp, mất việc hoặc khi giải quyết các chế độ, cần tới BHXH, BHYT, BHTN thì họ mới tá hỏa vì không thể nhận được chế độ do đơn vị sử dụng lao động còn nợ đóng BHXH”, ông Luận chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, thời gian qua, đoàn đã tiếp nhận hỗ trợ pháp lý nhiều vụ việc liên quan đến việc chậm hoặc không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Thậm chí, có tình trạng, chủ doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để tìm cách né đóng các loại BHXH theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, đa số lao động trong các doanh nghiệp vì việc làm trước mắt, cũng như nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của chính mình khi doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH.
Theo quy định tại Điều 17, Luật BHXH 2014, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, nhưng khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trên thực tế, doanh nghiệp có kê khai lao động đầy đủ cũng như số tiền cần trích nộp nhưng sản xuất khó khăn nên đóng không đủ, do đó chưa cấu thành hành vi trốn đóng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phan Ngọc Luận cho rằng, để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể là thường xuyên báo cáo để tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, nhất là trong công tác đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH; phân công rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác giảm số tiền chậm đóng.
Hằng tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động kịp thời để đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền, lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, các đơn vị chậm đóng BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài...
“Mục tiêu, giải pháp đề ra là vậy, nhưng thực tế xử lý vấn đề tồn tại này chưa bao giờ dễ dàng. Và câu chuyện nợ đọng BHXH bao giờ có hồi kết vẫn là một dấu hỏi lớn khó tìm lời giải đáp”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phan Ngọc Luận trăn trở.
Theo BHXH Phú Yên, tính đến hết ngày 30/11/2023, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 15/12/2023, toàn tỉnh có 200 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên, với hàng chục tỉ đồng. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thuận Thông (phường 9, TP Tuy Hòa) chậm đóng BHXH 84 tháng, với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng; kế đến là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 1.5 (xã An Phú, TP Tuy Hòa) chậm đóng BHXH 161 tháng, với 2,2 tỉ đồng… |
VĂN TÀI