Thứ Sáu, 25/10/2024 08:35 SA
Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường
Thứ Năm, 28/12/2023 07:13 SA

Lực lượng vũ trang cùng người dân tham gia vớt rác trên mặt nước vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, môi trường tại các đầm, vịnh, sông, suối và khu vực biển ven bờ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số khu vực có xu hướng ô nhiễm nặng và phát sinh một số điểm ô nhiễm mới.

 

Nhiều thông số vượt giới hạn

 

Theo bà Đào Thị Kim Chi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, kết quả quan trắc môi trường năm 2023 cho thấy, một số địa phương vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Qua quan trắc tại 59 vị trí thuộc 9 huyện, thị, thành phố, 3/10 thông số quan trắc (SO2, H2S, NH3) vượt giới hạn cho phép.

 

Đối với môi trường nước dưới đất, kết quả quan trắc có 3/13 thông số (Pemanganat, NH4+ và Coliform) vượt giới hạn cho phép; riêng chỉ tiêu Coliform có dấu hiệu ô nhiễm cao cả số lượng vị trí và nồng độ (38/41 vị trí quan trắc có mật độ Coliform vượt giới hạn cho phép).

 

Tại hồ điều hòa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa), theo kết quả quan trắc môi trường nước mặt đợt 2/2023 tại 2 vị trí phía bắc và phía nam của hồ, có 3/18 thông số (TSS, COD, BOD5) vượt giới hạn cho phép, do ô nhiễm cục bộ.

 

Đối với chất lượng môi trường nước đầm Ô Loan, 5/11 vị trí có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 0,2-0,9 lần. Tại vịnh Xuân Đài, 13/18 vị trí có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 0,3-6,5 lần. Ở đầm Cù Mông, 13/14 vị trí quan trắc có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 0,2-3,2 lần. Khu vực biển ven bờ, 4/21 vị trí có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 0,1-13,8 lần, đặc biệt hàm lượng NH4+ tăng đột biến tại vị trí quan trắc khu vực bến cá phường 6, TP Tuy Hòa (vượt 13,8 lần).

 

Cũng theo bà Đào Thị Kim Chi, môi trường nước mặt tại các con sông lớn trên địa bàn tỉnh có chiều hướng chuyển biến tốt hơn so với 2 năm gần đây. Tuy nhiên, tại một vài điểm quan trắc có sự tăng cao đột biến, trong đó chất lượng nước sông Ba có xu hướng tăng về nồng độ ô nhiễm.

 

Tại lưu vực sông Ba, 5/14 vị trí quan trắc có hàm lượng COD vượt giới hạn cho phép từ 0,07-4,23 lần, so với các năm trước thì một vài điểm có hàm lượng COD tăng cao về nồng độ ô nhiễm. 8/14 vị trí có hàm lượng BOD5 vượt giới hạn cho phép từ 0,2-7 lần, so với các năm trước thì tăng về số vị trí ô nhiễm cũng như nồng độ. 3/14 vị trí có hàm lượng Fe vượt giới hạn cho phép từ 0,1-1,9 lần. 7/14 vị trí có hàm lượng NO2- vượt giới hạn cho phép từ 0,3-6,5 lần và có xu hướng tăng cao về nồng độ ô nhiễm.

 

Tại lưu vực sông Bàn Thạch, 2/6 vị trí quan trắc có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 0,1-0,4 lần, có xu hướng tăng cả về vị trí cũng như nồng độ so với năm 2022. 3/6 vị trí có hàm lượng COD vượt giới hạn cho phép từ 1,1-2,8 lần. 4/6 vị trí có hàm lượng BOD5 vượt giới hạn cho phép từ 0,3-4,3 lần. 4/6 vị trí có hàm lượng Cl- vượt giới hạn cho phép từ 11,8-23,7 lần.

 

Đối với lưu vực sông Kỳ Lộ, 1/12 vị trí quan trắc (đập Hà Yến) có hàm lượng NH4+ vượt giới hạn cho phép 0,9 lần và có xu hướng tăng về nồng độ ô nhiễm. 5/12 vị trí có hàm lượng COD vượt giới hạn cho phép, nhưng nhẹ. 6/12 vị trí có hàm lượng BOD5 vượt giới hạn cho phép từ 0,05-9,4 lần. 1/12 vị trí (hạ lưu sông Bình Bá) có hàm lượng Cl- vượt giới hạn cho phép 5,8 lần.

 

TX Sông Cầu tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại khu vực vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC

 

Tăng cường kiểm soát và giám sát

 

Hiện nay, các hoạt động từ nuôi trồng thủy sản đang gây sức ép lớn cho môi trường sinh thái tại các đầm, vịnh và khu vực biển ven bờ trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển tự phát và thiếu kiểm soát từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển có xu hướng ngày càng gia tăng.

 

Theo Sở TN&MT, không chỉ nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản mà các nguồn thải khác từ các hoạt động giao thông, du lịch, hoạt động dân sinh trên đất liền… cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng đe dọa trực tiếp đến các hoạt động khai thác, sử dụng, sản xuất và môi trường tự nhiên tại các khu vực này…

 

Những năm qua, Phú Yên quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác quan trắc để có dự báo, cảnh báo sớm. Tuy nhiên, các giải pháp chưa có nhiều hiệu quả trong việc làm chuyển biến vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh.

 

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT, hiện tại, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ lấy mẫu để phân tích, thí nghiệm mới chỉ đáp ứng phân tích môi trường nước, tiếng ồn, còn đối với phân tích môi trường không khí xung quanh, khí thải, đất, trầm tích, bùn từ hệ thống xử lý nước thải… phải thuê đơn vị ngoài tỉnh.

 

Ngoài ra, tỉnh vẫn chưa có hệ thống quan trắc tự động liên tục nước mặt, nước biển ven bờ và không khí. Số điểm quan trắc hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thấp, nên công tác dự báo và cảnh báo ô nhiễm môi trường đôi lúc chưa kịp thời, số liệu quan trắc không mang tính hệ thống nên về lâu dài gây khó khăn trong việc đánh giá diễn biến chất lượng môi trường liên tục qua các năm của tỉnh.

 

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cần tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định pháp luật về môi trường.

 

Sở TN&MT và các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, phòng ngừa sự cố môi trường, không để phát sinh các điểm nóng về môi trường. Đồng thời tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các sở, ban ngành, hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

 

“Sở TN&MT cần triển khai thực hiện theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án có nguồn thải lớn; tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường đối với khu vực các sông, đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh.

 

Đơn vị cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân cùng giám sát kiểm tra”, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo chỉ đạo. 

 

Sở TN&MT cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân cùng giám sát kiểm tra.

 

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,Phó Chủ tịch UBND tỉnh

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek