Để hỗ trợ người lao động tìm việc làm, nhất là những tháng cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) liên tục tổ chức các phiên giao dịch, mở lớp dạy nghề...
Thanh niên huyện Tây Hòa tham gia phiên giao dịch việc làm. Ảnh: KIM CHI |
Kết quả, 4 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại 5 phiên giao dịch việc làm tại các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa, thu hút hàng ngàn lao động.
Việc tìm người, người tìm việc
Có mặt sớm tại hội trường UBND phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) tham gia phiên giao dịch việc làm, em Duy Hoàng Long, 22 tuổi cho biết: Tôi đi làm được một thời gian trong lĩnh vực chế biến món ăn. Nay tôi muốn thay đổi môi trường làm việc nên đến với phiên giao dịch việc làm này để tìm kiếm cơ hội và hy vọng các công ty tuyển dụng nhân sự đưa ra mức lương hợp lý.
Còn em Nguyễn Trung Kiên, 18 tuổi, đến với phiên giao dịch để tìm kiếm việc làm sau khi vừa học xong nghề sửa chữa ô tô. “Tôi muốn tìm được việc làm từ đây đến tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trước tiên là để có chi phí sinh hoạt trong cuộc sống, nếu môi trường làm việc ổn định, tôi sẽ làm lâu dài tại quê nhà”, Kiên nói.
Ông Huỳnh Văn Thọ, đại diện Phòng Nhân sự (Công ty CP An Hưng) cho biết: Đến với phiên giao dịch lần này, chúng tôi tìm kiếm người lao động (NLĐ) có tay nghề trong nhiều lĩnh vực, yêu thích công việc của mình. Công ty hiện có đơn hàng lớn nên cần tuyển dụng 300 lao động phổ thông để đáp ứng công việc.
Nếu lao động chưa có tay nghề, chúng tôi sẽ đào tạo. Mức lương tối thiểu là 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn có những chính sách, chế độ đãi ngộ đối với NLĐ làm tốt công việc.
Theo bà Nguyễn Thị Lam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, các phiên giao dịch việc làm tổ chức tại các địa phương nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ, ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và NLĐ tại chỗ.
Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân, NLĐ, các đoàn viên, hội viên, thanh niên về cơ hội tìm kiếm việc làm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động theo hợp đồng, học nghề, thông qua công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp, các trường nghề.
Từ đó, NLĐ lựa chọn một công việc phù hợp để nâng cao đời sống và thu nhập. Đồng thời đưa hoạt động giao dịch việc làm trở thành một hoạt động thường xuyên, có tổ chức, từng bước phục vụ có hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho NLĐ tại địa phương.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên. Ảnh: KIM CHI |
Hướng về cơ sở
Phiên giao dịch việc làm là hoạt động thuộc Tiểu dự án 3 hỗ trợ việc làm bền vững của Dự án 4, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lam Phương cho biết: Trong khuôn khổ chương trình, người dân được tư vấn, tiếp cận thông tin về tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, phiên giao dịch dành nhiều thời gian tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh bậc THCS, THPT, giúp các em nhận thức về khả năng, sở thích, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp; nắm bắt xu hướng ngành nghề việc làm trong tương lai.
Tại các địa bàn tổ chức phiên giao dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên cấp phát cho NLĐ tờ rơi giới thiệu về trung tâm và các thông tin tuyển dụng làm việc trong và ngoài nước; cẩm nang pháp luật về lao động - việc làm nhằm nâng cao kiến thức, tiếp cận việc làm cho người lao động về pháp luật lao động - việc làm.
“Việc đưa các phiên giao dịch việc làm lưu động về các xã, phường, trường học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy thông tin thị trường lao động đến với NLĐ và các doanh nghiệp một cách kịp thời. Đồng thời tạo sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, đặc biệt là làm tốt công tác thông tin thị trường lao động đáp ứng nhu cầu về cung - cầu lao động, kết nối giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, NLĐ và đoàn viên thanh niên.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các hoạt động tư vấn, kết nối việc làm trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo; tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, băng rôn, áp phích; phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh lân cận tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến cho NLĐ nhằm đa dạng hóa việc kết nối cung - cầu lao động cho các thị trường lao động trong, ngoài tỉnh”, bà Phương cho biết thêm.
Tại Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa), phiên giao dịch thu hút khá đông NLĐ, học sinh về tham dự. Chị Trương Thị Ánh, 60 tuổi, đến từ xã Suối Bạc chia sẻ: “Con tôi đang làm công nhân trong miền Nam nhưng muốn về quê nên tôi đến đây tìm hiểu thông tin việc làm, nếu phù hợp thì con về đi làm luôn”.
Y Phin ở xã Sơn Phước, đang học nghề điện dân dụng ở trường này, nói: Em học nghề được hơn 1 năm rồi. Mong sao sau khi ra trường, em được tiếp nhận vào làm việc để đỡ vất vả. Phiên giao dịch tổ chức tại trường nên chúng em rất háo hức chờ đón cơ hội có việc làm sau khi học xong.
Thầy Hoàng Văn Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên, chia sẻ: Bên cạnh việc đào tạo, dạy nghề, nhà trường rất quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Việc phiên giao dịch việc làm được tổ chức ngay tại trường để kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp và học sinh là rất tốt. Hy vọng qua phiên giao dịch việc làm này, nhiều học sinh của trường sẽ có cơ hội làm việc để ổn định cuộc sống.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên đã thu thập dữ liệu Việc tìm người - Người tìm việc. Kết quả có 29 đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tìm lao động và 7.880 NLĐ có nhu cầu tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin. Đồng thời thực hiện 3 phiên giao dịch việc làm với 5 đơn vị tham gia; 392 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số, 235 lao động nữ được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. |
KIM CHI