Thứ Hai, 20/05/2024 11:19 SA
Chuyển đổi số thư viện để tiếp cận bạn đọc hiệu quả
Thứ Năm, 02/11/2023 10:00 SA

Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ tất yếu, quan trọng, thường xuyên, lâu dài của các cấp, ngành, địa phương và trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thư viện. Với mục đích nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, chuyển đổi số đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện. Từ đó góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. 

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về chuyển đổi số thư viện, bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết:

 

Bà Võ Thị Nguyễn Huệ

- Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thư viện tỉnh đã xây dựng và phát triển các nguồn tài nguyên thông tin điện tử, tài nguyên thông tin dạng số, trong đó ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; cung cấp các dịch vụ trực tuyến (giới thiệu thư mục tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa...).

 

Trong năm 2023, Thư viện tỉnh được đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý thư viện (Ilib) và máy scan để số hóa tài liệu. Cũng trong năm nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện dành cho cán bộ phụ trách thư viện trên địa bàn tỉnh; chuyển giao phần mềm dùng chung VietBiblio dành cho các thư viện cấp huyện nhằm giúp các thư viện kết nối, chia sẻ và dùng chung tài nguyên thông tin.

 

* Việc thực hiện chuyển đổi số mang lại hiệu quả như thế nào và Thư viện tỉnh có gặp khó khăn gì không, thưa bà?

 

- Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện mang lại những hiệu quả tích cực. Thông qua thư viện thông minh, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận các kho tài liệu khổng lồ không chỉ trong và ngoài nước, giúp việc phổ biến kiến thức và việc đọc trở nên thuận lợi hơn. Vì vậy, chuyển đổi số thư viện đang được xem là chìa khóa để tạo đột phá cho ngành Thư viện, giúp tiếp cận bạn đọc ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí.

 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại Thư viện tỉnh và thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn như: Trang thiết bị phục vụ xây dựng dữ liệu số còn thiếu, nguồn nhân lực và vấn đề bản quyền tác giả cũng cần phải lưu ý, quan tâm hơn nữa...

 

Thiếu nhi tìm kiếm tài liệu trên website của Thư viện tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

 

* Vậy Thư viện tỉnh đặt mục tiêu gì trong công tác chuyển đổi số thời gian tới, thưa bà?

 

- Thư viện tỉnh tiếp tục thực hiện theo Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 11/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 162/KH-UBND, ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung huy động các nguồn lực đầu tư: Máy chủ, thiết bị tường lửa, máy scan tự động tại Thư viện tỉnh và máy tính, đầu đọc mã vạch, máy scan phục vụ số hóa tài liệu tại thư viện các huyện, thị xã; tập trung số hóa tài liệu và sản phẩm thông tin thư viện, đặc biệt là việc số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; bổ sung nguồn tài liệu số bản quyền do các nhà xuất bản uy tín trên cả nước xuất bản.

 

Thư viện tỉnh hướng đến xây dựng mục lục liên hợp trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối các thư viện trường học trong việc chuyển đổi số; tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện do các cơ quan đầu ngành tổ chức.

 

* Theo bà, để mỗi thư viện trở thành một thư viện số thì cần phải làm gì?

 

- Sự khác biệt của thư viện thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam so với thư viện truyền thống không đơn thuần là về mô hình, số lượng hoạt động, hiệu quả của thư viện mà chính là chất lượng, công nghệ trợ giúp cho hoạt động thư viện, hình thức tổ chức kho tài liệu và nhất là đội ngũ cán bộ thư viện.

 

Chính vì vậy, để tạo nên một thư viện số, theo tôi cần phải có ba yếu tố cơ bản, đó là: công nghệ, dữ liệu và con người. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu số (bộ sưu tập số, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, tài nguyên thông tin - thư viện...) trong các cơ quan thư viện. Đây sẽ là nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất để các thư viện phục vụ người đọc.

 

Công nghệ, dữ liệu và con người là ba yếu tố cơ bản để tạo nên một thư viện số. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu số (bộ sưu tập số, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, tài nguyên thông tin - thư viện...) trong các cơ quan thư viện. Đây sẽ là nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất để các thư viện phục vụ người đọc.  

 

* Xin cảm ơn bà!

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek