Một trong những ưu thế vượt trội của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bắt buộc. Sự liên thông này đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người tiếp tục tham gia BHXH để hưởng các chế độ, nhất là chế độ hưu trí, ổn định cuộc sống tuổi già.
May mà không rút BHXH một lần
Từ cán bộ không chuyên trách, rồi đến công chức cấp xã với nhiều vị trí khác nhau nhưng khi nghỉ việc, ông Hồ Minh Nhơn (xã An Thọ, huyện Tuy An) chỉ có thời gian đóng BHXH 15 năm. Nhiều người ở vào trường hợp tương tự đã chọn rút BHXH một lần để chi tiêu, dù số tiền không nhiều. Riêng ông Nhơn đắn đo với việc rút BHXH một lần, bởi suy nghĩ khi tiêu hết số tiền đó, đến lúc già không có tiền hằng tháng. Với kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ xã, ông hiểu được cái lợi lâu dài của chính sách BHXH tự nguyện nên quyết định chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 5 năm còn thiếu, theo phương thức hằng quý, để khi hết tuổi lao động, hằng tháng được nhận lương hưu. “Lúc đó tôi cũng kẹt tiền nhưng vẫn tiết kiệm chi tiêu để tham gia cho đủ 20 năm đóng BHXH”, ông Nhơn chia sẻ.
Trường hợp ông Phạm Văn Thống (phường 5, TP Tuy Hòa) cũng vậy, năm nay 64 tuổi, ông đã 4 năm nhận lương hưu. Trước đó, khi hết tuổi lao động, ông còn thiếu 5 năm. Không chọn phương án nhận BHXH một lần, ông Thống quyết định đóng một lần cho 5 năm còn thiếu và nhận lương hưu từ thời điểm đó. Với gần 2 triệu đồng mỗi tháng, lương hưu đối với người có thời gian đóng BHXH ngắn thì không cao như người khác nhưng với ông, đó là khoản thu nhập cơ bản, là niềm vui của tuổi già.
Trong số những người hưởng lương hưu nhờ cộng nối thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thời gian qua, cần kể đến nhiều công nhân lao động thuộc Công ty CP Vina Cà phê Sơn Thành. Vì đặc thù công việc nên không ít người ở đây khi hết tuổi lao động vẫn chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí. Dù vậy, điều đặc biệt là ở công ty này, không ai nhận BHXH một lần mà dành dụm tiền đóng tiếp BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu. Bà Trần Thị Ất là công nhân công ty, tham gia BHXH bắt buộc được 12 năm 6 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thêm 7 năm 4 tháng, đủ 20 năm và hưởng lương hưu từ năm 2020. Bà Ất chia sẻ: “Thấy cái lợi rành rành, tôi quyết định bán một ít nông sản đóng cho đủ năm. Giờ đây đến tháng nhận lương hưu, tôi có tiền chi tiêu và không phụ thuộc vào con cháu”.
Lương hưu dù ít hay nhiều cũng giá trị
Luật BHXH cho phép cộng nối thời gian tham gia BHXH giữa bắt buộc và tự nguyện đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, nhất là được đóng một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ tiền.
Theo ông Phạm Văn Thống, Luật BHXH cho phép khi hết tuổi lao động nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH được đóng một lần để hưởng lương hưu là quá thuận lợi và phù hợp. Rất nhiều người làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp hoặc cán bộ xã từ không chuyên trách trước năm 2016 đến chuyên trách… khi đã lớn tuổi mà thời gian tham gia BHXH chưa đủ tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu, đã chọn phương án đóng nối tiếp BHXH tự nguyện một lần hoặc nhiều lần cho đủ số năm tối thiểu. Đóng tiếp BHXH tự nguyện là giải pháp hợp lý bởi khi hết tuổi lao động, lương hưu là giá trị, là thu nhập, là cuộc sống tuổi già.
Mức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện tùy chọn theo khả năng từng người (hiện nay mức thấp nhất là 297.000 đồng/tháng) và có hỗ trợ của Nhà nước (10%); phương thức đóng linh hoạt nên cũng dễ dàng cho mọi người tham gia như: Có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm hoặc đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc 5 năm một lần. Khả năng đóng BHXH tự nguyện của nhiều người trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nên lương hưu cũng không cao. “Thế nhưng, lương hưu dù ít hay nhiều vẫn vô cùng giá trị với người già. Tính ra, mới mấy năm số tiền hưu đã cao hơn nhiều so với nhận BHXH một lần, chưa kể mình nhận đến suốt đời”, ông Hồ Minh Nhơn nói.
Theo bà Ất, việc Chính phủ điều chỉnh tăng lương hưu thời gian qua rất kịp thời, bản thân bà mới nhận từ năm 2020 đến nay nhưng đã qua hai lần điều chỉnh, tính ra tăng 20,82%. Ngoài ra, bà được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đến trọn đời nên không phải lo mua hằng năm. “Tôi ráng đóng đủ số năm tối thiểu để được nhận lương hưu hằng tháng. Sau này còn có chế độ tử tuất nữa, con cháu cũng bớt lo”, bà Ất xởi lởi nói. Nhận ra giá trị, lợi ích thực sự của BHXH tự nguyện, bà Ất đã vận động hai người con tham gia khi còn trẻ.
Quyết định không nhận BHXH một lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động đã được nhiều người lựa chọn. Thực tiễn ấy trả lời cho những người còn đang phân vân, đắn đo lựa chọn: Liệu có nên rút BHXH một lần, cái nào thiệt, cái nào hơn?
Theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 9/2023, Phú Yên có 3.094 người hưởng lương hưu vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó có 1.682 nữ và đa phần là người lao động khi nghỉ việc chưa đủ 20 năm, không nhận BHXH một lần và chọn đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. |
QUANG PHƯƠNG