Thứ Bảy, 28/09/2024 14:27 CH
Hướng tới chuyên nghiệp - sáng tạo - phát triển nghề công tác xã hội
Thứ Tư, 01/11/2023 14:00 CH

Nghề công tác xã hội (CTXH) đang ngày càng được nhiều người quan tâm và hiện đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, nhất là trong bệnh viện, trường học, các cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng. Phú Yên đang hướng đến sự chuyên nghiệp - sáng tạo - phát triển đối với nghề này.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thăm, tặng quà cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi mái ấm chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu). Ảnh: KIM CHI

 

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), đối tượng bảo trợ xã hội và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị.

 

Giúp người dân vươn lên

 

Chị Lơ Mô Hờ Đôi ở buôn Zô (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) vừa được các cấp chính quyền huyện hỗ trợ, bàn giao nhà Đại đoàn kết để ổn định cuộc sống. Căn nhà có tổng diện tích 39m2, tường xây, mái lợp tôn, nền gạch men, kinh phí xây dựng 80 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, số còn lại do gia đình tích góp và họ hàng giúp đỡ.

 

Là phụ nữ nghèo đơn thân, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều năm qua, dù cố gắng làm lụng, xoay xở nhưng chị Lơ Mô Hờ Đôi không thể xây dựng căn nhà vững chắc cho mình. Nhờ sự quan tâm, tư vấn chính sách kịp thời của cán bộ làm CTXH, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể hỗ trợ, chị mới có được căn nhà như hôm nay. Hờ Đôi chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi có được căn nhà khang trang như thế này. Giờ đây, tôi yên tâm làm ăn và cố gắng vươn lên thoát nghèo”.

 

Chị Triệu Thị Lâm, cộng tác viên CTXH xã Ea Ly chia sẻ: “Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, người nghèo..., giúp họ vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ về chính sách theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi cố gắng kết nối với các nguồn hỗ trợ thiện nguyện để giúp họ khi có thể. Nhiều người khi được giúp đỡ đã vươn lên trong cuộc sống”.

 

Theo ông Nay Y Tôn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Hinh, trên địa bàn huyện có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 47,9% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao.

 

“Thời gian qua, các cán bộ xã hội, mạng lưới cộng tác viên, nhân viên CTXH các xã, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình nên các chương trình thoát nghèo bền vững từ các nguồn vốn hỗ trợ đều đến tay bà con và các đối tượng yếu thế, giúp họ ổn định cuộc sống”, ông Nay Y Tôn cho biết.

 

Hướng tới chuyên nghiệp

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; 7 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm đối tượng yếu thế trong xã hội. Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Các đối tượng tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh được nhân viên y tế, công tác xã hội chăm sóc tận tình. Ảnh: KIM CHI

 

Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, sự chăm sóc, hướng dẫn tận tâm của các nhân viên, cộng tác viên CTXH, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội được đảm bảo; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh được hỗ trợ kịp thời.

 

Bà Nguyễn Thị Hơn là hộ nghèo của xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: “Tôi năm nay hơn 50 tuổi, nhà nghèo, chỉ biết chăn bò thuê để kiếm sống. Lúc trước, tôi ít đi khám bệnh do không có thẻ bảo hiểm y tế. Sau nhờ có nhân viên CTXH của xã hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn làm thẻ bảo hiểm y tế nên nay bệnh là đến trạm y tế để khám và được cấp phát thuốc miễn phí, yên tâm lo cuộc sống”.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội; tổ chức thăm tặng quà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cứu trợ đột xuất các hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục ngàn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…

 

Mục tiêu tổng thể Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân…

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thị Minh Hiền

 

Đây là những đối tượng rất cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH và rất cần sự trợ giúp xã hội. Chính vì vậy, nghề CTXH phát triển đã và đang mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.

 

Không chỉ chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội, các chính sách ưu đãi cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt, gồm: Chương trình hành động người cao tuổi, chương trình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đề án như: Trợ giúp người tàn tật, Không có người lang thang xin ăn, Phát triển nghề CTXH, Chăm sóc người tâm thần... Đặc biệt, sau thời gian triển khai đề án Phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh, thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người.

 

Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng, các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

 

“Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân; nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tỉnh tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn. Mục tiêu tổng thể Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân. Các hoạt động này đã và đang theo đúng kỳ vọng thúc đẩy nghề CTXH hướng tới chuyên nghiệp - sáng tạo - phát triển”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết.

 

 

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek