Là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển…, Phú Yên đã triển khai nhiều phương án sẵn sàng, chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường.
Thiệt hại nặng do thiên tai
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh khá phức tạp. Mưa lớn gây thiệt hại hơn 3.000ha lúa đông xuân; triều cường xâm thực, uy hiếp các khu dân cư tại các địa phương ven biển huyện Tuy An; nắng hạn làm hơn 2.000ha lúa hè thu bị thiếu nước tưới và khoảng 600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay hơn 10 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2022, diễn biến thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm. “Đợt mưa lũ, lốc xoáy bất thường xảy ra vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022 đã gây thiệt hại nặng nề đối với một số xã ven biển trên địa bàn huyện Tuy An. Đợt thiên tai này, địa phương có 2 người chết; hơn 30 tàu thuyền bị sóng biển đánh chìm, hư hỏng; nhiều diện tích, lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại; nhiều diện tích lúa đông xuân và hoa màu ngã đổ, hư hại…”, ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2022 có 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó cơn bão số 5 ảnh hưởng đến khu vực Phú Yên gây mưa rất to, lũ lớn trên các sông. Mưa, bão, lũ lụt đã làm 2 người chết, 3 người bị thương; hơn 40 căn nhà bị sập, hơn 1.315 lượt nhà bị ngập lụt từ 1-3m; khoảng 14.940ha lúa ngã đổ, ngập úng và hơn 1.080ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 130 tàu thuyền chìm, hư hỏng, nhiều diện tích, lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại. Mưa, bão, lũ lụt năm 2022 ở Phú Yên làm thiệt hại hơn 418 tỉ đồng.
Chủ động ứng phó
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, các công trình PCTT còn thấp, phương tiện trang thiết bị phục vụ PCTT-TKCN còn hạn chế. Bên cạnh đó, kế hoạch, phương án ứng phó của địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn gây ngập sâu. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động, quy trình vận hành còn bất cập; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan còn hạn chế, thông tin cảnh báo chưa kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có nguồn ngân sách riêng để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các bộ, ngành trung ương rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phòng chống lũ cho các sông khu vực miền Trung, đồng thời đầu tư nguồn lực các hồ chứa trên thượng nguồn sông Ba. Điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa nước theo phương án vận hành liên hồ để tham gia điều tiết lũ; trách nhiệm của chủ hồ trong việc trữ lũ và xả lũ khi có cảnh báo sớm về nguy cơ lũ lụt. Tỉnh cũng kiến nghị mở rộng khẩu độ phù hợp các cầu đường sắt, đường bộ thường xuyên bị nước lũ tràn qua để tăng khả năng thoát lũ. Trung ương cần xem xét, hỗ trợ cho tỉnh một số trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn để chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn xảy ra.
Mới đây, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, hội, đoàn thể và các địa phương khẩn trương triển khai phương án, chủ động ứng phó thiên tai các tháng còn lại năm 2023; chủ động kiểm tra, rà soát, cập nhật bổ sung các phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai, nhất là phương án di dời, sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp, nguy cơ cao; triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của trung ương và tỉnh, xác định công tác PCTT-TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các sở, ngành, địa phương chủ động huấn luyện, diễn tập PCTT và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sát với tình hình thực tế, theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Củng cố, kiện toàn các đội xung kích PCTT, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách các cấp, ngành để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Dự báo các tháng cuối năm 2023, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%. Từ nay đến tháng 12/2023, trên biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và 1-2 cơn ảnh hưởng đến Phú Yên.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên Trần Công Danh |
ANH NGỌC