Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo thu nhập cho hội viên phát triển kinh tế vườn ao chuồng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mô hình vườn cây ăn trái của ông Ngô Quốc Dũng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Ảnh: CTV |
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hội làm vườn các cấp xây dựng nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất cây chanh, sầu riêng, mít (huyện Sông Hinh); mô hình nuôi lươn, trồng khóm ở Đồng Din (huyện Phú Hòa), thu nhập 100 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa cây cảnh ở phường 9, Hòa Kiến, Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), thu nhập trên 300 triệu đồng/hộ/năm; mô hình trồng rừng ở các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, TX Sông Cầu, thu lãi 50-70 triệu đồng/hộ... Hội còn phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hội viên sản xuất nông nghiệp tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa…, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và lao động nhàn rỗi ở các địa phương.
Trao đổi về mô hình vườn cây ăn trái của gia đình, ông Ngô Quốc Dũng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) bộc bạch: Cách đây vài năm, gia đình tôi mua 6ha đất để trồng trọt và chăn nuôi. Lúc đầu chưa nắm vững quy trình lựa chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nên không hiệu quả. Sau đó, được hướng dẫn chuyên môn, sự động viên khích lệ của cán bộ Hội Làm vườn huyện Phú Hòa, gia đình tôi đầu tư san ủi mặt bằng, đào ao nuôi cá, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động theo mô hình của Israel; rồi vào các tỉnh miền Nam mua giống mãng cầu tốt, trái sai, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Phú Yên về trồng. Đến nay, gia đình có hơn 5.000 cây mãng cầu, hàng trăm cây dừa xiêm, cam, bưởi, chuối cau… Tổng thu nhập hằng năm từ vườn cây, ao cá hàng trăm triệu đồng.
Để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên, các cấp hội tiếp tục phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp với đề án phát triển kinh tế nông nghiệp của từng vùng, từng địa phương, tạo điều kiện để hội viên nông dân vay vốn. Hội làm vườn cấp cơ sở tận tình hướng dẫn kinh nghiệm chọn giống cây, con, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.
Triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Hội Làm vườn và Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp giai đoạn 2023-2028 về tăng cường hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế vườn, phát triển kinh tế nông nghiệp và mô hình kinh tế vườn ao chuồng nâng cao đời sống hội viên, nông dân. “Theo đó, 2 đơn vị phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh; giới thiệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chú trọng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển cây con, giống trong nông nghiệp, quy trình canh tác tiên tiến, giúp hội viên, nông dân nâng cao năng lực quản lý, tay nghề kỹ thuật. Đồng thời chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình vườn ao chuồng, kinh tế nông nghiệp theo nhu cầu cánh đồng mẫu lớn, sản phẩm OCOP, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp”, ông Huỳnh Văn Tánh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Làm vườn tỉnh thông tin.
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, những đóng góp của các cấp hội từ phong trào thi đua thời gian qua không chỉ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên mà còn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Hội Làm vườn tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tập trung xây dựng những mô hình điểm, thiết thực, hiệu quả và nhân rộng những cách làm sáng tạo trong toàn tỉnh, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cấp hội.
THÙY TRANG