Thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn giao mùa, các loại dịch bệnh dễ phát sinh. Phòng ngừa dịch bệnh bùng phát, gây hại đến đàn vật nuôi, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng dịch, giúp bảo toàn đàn gia súc, gia cầm.
Quan tâm vệ sinh môi trường
Ông Nguyễn Văn Tính, chủ một trang trại chăn nuôi heo có quy mô đàn khá lớn ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho hay: Quy mô đàn nuôi mỗi lứa từ 500 con trở lên nên tôi luôn quan tâm công tác phòng dịch. Đàn heo được tắm hàng ngày. Toàn bộ chất thải và nước thải chăn nuôi đều được dẫn xuống hầm biogas xử lý. Ngoài ra, công nhân còn quét dọn, thu gom lá khô xung quanh các dãy chuồng nuôi và phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường 2 lần/tuần. Tất cả các công việc này nhằm giúp không khí, môi trường trong trại nuôi luôn thoáng đãng, khô ráo, không có chỗ để virus trú ngụ, sinh sôi và gây dịch.
Theo ông Đặng Lý ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), gia đình ông có trang trại chăn nuôi tổng hợp các loại heo, gà, vịt, trùn quế. Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ông đã cải tạo lại toàn bộ khu trại, phân chia các khu vực chăn nuôi riêng biệt. Riêng đàn heo gần 100 con được chia nhỏ nuôi ở nhiều dãy chuồng để hạn chế tình trạng lây nhiễm, giúp giảm thiệt hại nếu xảy ra dịch. “Ngoài việc cải tạo trại nuôi, tôi còn đặc biệt quan tâm vệ sinh môi trường khu trại, chất thải từ chăn nuôi được thu gom đưa về xử lý trong hầm biogas, nuôi trùn quế và ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Xung quanh trại nuôi được rắc vôi bột, trước cổng vào trại cũng bố trí hố vôi bột để khử trùng mỗi khi ra vào trại”, ông Lý nói.
Trong những ngày qua, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y tại các trại chăn nuôi, các vùng chăn nuôi tập trung, khu vực mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm để nhắc nhở, chấn chỉnh việc thực hiện công tác vệ sinh thú y, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý khi dịch bệnh xảy ra.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, hoạt động chăn nuôi trên toàn tỉnh tiếp tục được phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh, phù hợp lợi thế từng vùng. Chính vì vậy, công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cũng được quan tâm đúng mức. Điều này không chỉ giúp hạn chế dịch bệnh bùng phát mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Chủ động phòng dịch
Nguồn tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, hiện nay, tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và cơ bản được kiểm soát. Các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, heo tai xanh... không xảy ra. Riêng bệnh lở mồm long móng trên bò ở xã An Thọ (huyện Tuy An) được khống chế hoàn toàn và đã hết dịch từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn nên người chăn nuôi không được chủ quan. Việc tích cực theo dõi và chủ động phòng dịch trong giai đoạn này hết sức quan trọng.
Bà Lê Thị Ngọc Hoàng ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) cho biết: Thời tiết giao mùa, ruồi muỗi… sinh sôi nhiều nên bò rất dễ mắc bệnh viêm da nổi cục. Để phòng ngừa hiệu quả loại dịch bệnh này, gia đình tôi đã tiêm ngừa vắc xin phòng viêm da nổi cục cho đàn bò, đồng thời xịt thuốc diệt côn trùng khu chuồng nuôi để tiêu diệt ruồi, muỗi. Ngoài ra, vào ban đêm, tôi còn un rơm xua muỗi, bò bớt bị muỗi đốt ăn ngủ tốt hơn, sức khỏe sẽ đảm bảo.
Trong khi đó, để đàn gà có đủ sức kháng lại dịch bệnh, ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch theo quy định, bà Trần Thị Lan, chủ một trại nuôi gà đàn ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) còn bổ sung các loại vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn hàng ngày. Theo bà Lan, mùa này gà dễ nhiễm bệnh gà rù, sẽ chết nhanh nên thiệt hại rất cao. Vì vậy, bà đã chủ động tăng cường sức khỏe cho đàn gà bằng nhiều cách, trong đó chú ý bổ sung các khoáng chất, vitamin.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, khoáng chất cho vật nuôi. Khi phát hiện vật nuôi có các triệu chứng nhiễm bệnh, người nuôi cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để được kiểm tra, hướng dẫn điều trị, xử lý; tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy vật nuôi bị bệnh, vứt xác vật nuôi chết ra môi trường…
THỦY TIÊN