Thứ Năm, 28/11/2024 22:51 CH
Cùng nông dân vượt khó làm giàu
Thứ Ba, 26/09/2023 09:49 SA

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Tô Đình Kền ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Ảnh: NGỌC HÂN

Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng. Phong trào đã khích lệ, động viên, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Vượt khó làm giàu

 

Kế nghiệp cha mẹ làm nghề tráng bánh thủ công, năm 2010, ông Nguyễn Hai ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An) đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy móc để chuyển từ tráng bánh truyền thống sang tráng bánh bằng máy. Trong quá trình sản xuất, ông Hai tự mày mò, nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng công suất tráng bánh mè và xây dựng được thương hiệu bánh tráng Hai Thơm.

 

Theo ông Hai, trước đây, tráng bánh thủ công, một ngày chỉ tráng được 20-30kg gạo, cho ra thành phẩm khoảng 400-600 bánh. Nay tráng bằng máy, bình quân mỗi ngày sản xuất hết 350kg gạo, tráng được 5.000 cái bánh. Còn đối với những ngày gần tết, cơ sở tráng được 6.500 cái bánh. Ngoài ra, ông Hai còn đầu tư mua thêm 2 máy nướng bánh mè, mỗi ngày nướng được 2.000-3.000 cái, lãi 1 triệu đồng. “Nhờ sản phẩm đạt OCOP 3 sao, bánh tráng của gia đình tôi được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm lợi nhuận từ việc tráng bánh mè và bánh nướng là hơn 1 tỉ đồng”, ông Hai phấn khởi nói.

 

Từ hai bàn tay trắng, Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) đã vươn lên trở thành hộ khá. Nhìn cơ ngơi 1 xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà cửa khang trang không ai nghĩ 10 năm trước, gia đình Ma Dom sống trong cảnh vô cùng khó khăn.

 

Ma Dom chia sẻ: Muốn thoát nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, có đất sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu trong gia đình… Nghĩ vậy nên từ một ít đất rẫy khai hoang, tôi dần dần mở rộng diện tích đất, đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi với 7ha sắn cao sản, 1ha lúa nước 2 vụ, 1ha cao su, nuôi 10 con bò sinh sản, 3 con heo nái và gia cầm các loại.... Nhờ áp dụng phương thức đa canh này, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng, cuộc sống dần ổn định, các con có điều kiện học hành.

 

Không riêng gì ông Nguyễn Hai hay Ma Dom, phong trào nông dân thi đua SXKDG đã góp phần thúc đẩy hình thành các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Phong trào này đã khơi dậy ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, năng động của nông dân, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn mô hình điển hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị cao; sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng/năm/hộ và tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.

 

Tiếp sức cho nông dân nghèo

 

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có 107 cơ sở hội với 128.272 hội viên sinh hoạt tại 582 chi hội và 1.823 tổ hội.

 

Để phong trào nông dân thi đua SXKDG đạt kết quả thiết thực, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, hội còn chủ động phối hợp với các ban ngành có liên quan đẩy mạnh các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Hội cũng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề, cung ứng giống, phân bón thuốc trừ sâu, thực hiện hiệu quả các mô hình chuyên canh, đa canh, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ mà chọn mô hình SXKDG phù hợp.

 

Hội Nông dân tỉnh đã tín chấp với các ngân hàng cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. 5 năm qua, thông qua Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân tỉnh đã tín chấp cho 44.567 lượt hộ vay với số tiền hơn 2.438 tỉ đồng. Các cấp hội trực tiếp hướng dẫn thành lập được 13 HTX, 14 tổ hợp tác, 62 chi hội nghề nghiệp và 274 tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề với hơn 4.800 thành viên; tạo việc làm cho 8.357 hộ nghèo và giúp cho 6.254 hộ vươn lên thoát nghèo…

 

“Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Tỉnh hội sẽ tập trung vận động nông dân tham gia có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập cao; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp 4.0 cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch - an toàn, sản xuất nông nghiệp xanh”, ông Huỳnh Văn Dũng khẳng định.

 

Nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được nhân rộng và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 52.850 hộ nông dân SXKDG các cấp; phong trào còn hỗ trợ 3.216 hộ vượt nghèo trở thành hộ SXKDG các cấp.

 

THÁI NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek