Thứ Năm, 28/11/2024 22:55 CH
Phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa
Thứ Ba, 26/09/2023 10:22 SA

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm các gian hàng tại hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Trung năm 2023. Ảnh: THÁI HÀ

Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa là chủ đề của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam phát động nằm trong chuỗi hoạt động thuộc đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939). Cuộc thi không chỉ giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, mà còn là tiền đề cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công từ nguồn tài nguyên bản địa.

 

Nhiều sản phẩm đặc trưng

 

Thực hiện Đề án 939, nhiều hội viên, phụ nữ trên cả nước đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với nhiều ý tưởng, sản phẩm mang đặc trưng của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

 

Với dự án khởi nghiệp Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi heo thảo dược vi sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát, chị Nguyễn Thị Hoài Sen (tỉnh Quảng Bình) sản xuất sản phẩm thịt heo an toàn, có giá trị kinh tế cao, mở hướng chăn nuôi bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Dự án đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi.

 

Theo chị Hoài Sen, năm 2019, chị làm chuồng trại nuôi heo theo kiểu truyền thống. Những năm đầu khởi nghiệp rơi vào lúc giá heo giảm mạnh, việc chăn nuôi khó khăn. Trăn trở tìm giải pháp, chị Sen bắt tay nuôi heo bằng thảo dược. Sau gần 1 năm thất bại, chị tìm ra cách giải quyết vấn đề và rút ra được công thức riêng để heo có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, ổn định về chất lượng thịt. Trang trại của chị Sen đạt doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Cũng là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, 2 giải nhất cuộc thi cấp vùng khu vực miền Trung năm nay đến từ dự án Sản xuất và chế biến sản phẩm trà từ hoa cà phê nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ của chị Bùi Thị Kim Anh (tỉnh Đắk Lắk) và dự án Làng văn hóa du lịch Jrai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh của chị H’Uyên Niê (Gia Lai). Bằng sự cần cù, chăm chỉ, không ngừng sáng tạo, hai chị đã trực tiếp khai thác, biến những sản vật, văn hóa của địa phương thành sản phẩm độc đáo, đậm đà hương vị, bản sắc vùng miền.

 

Chắp cánh cho phụ nữ khởi nghiệp

 

Thông qua các hoạt động đồng bộ, toàn diện của các cấp, ngành, với vai trò chủ trì của các cấp hội LHPN, cuộc thi đã khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, tạo việc làm và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ khác, đặc biệt đối với phụ nữ ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa.

 

Dự án Nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm xà bông rửa mặt từ tía tô của chị Phan Thị Bích Cẩm (tỉnh Bình Định) đã vượt qua 273 dự án khởi nghiệp trong cả nước để có mặt tại vòng thi thuyết trình chung kết cấp vùng khu vực miền Trung. Đến với cuộc thi, chị có thêm nhiều kinh nghiệm, nhìn ra những hạn chế để có những định hướng tốt hơn cho dự án khởi nghiệp trong tương lai. “Tôi mong muốn được học hỏi nhiều hơn nữa và nhận được sự tư vấn, định hướng của ban tổ chức để phát triển dự án của mình”, chị Cẩm chia sẻ.

 

Phú Yên có một giải ba của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) với dự án Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc phát triển từ mô hình Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học. Dự án của chị Ánh Hồng tiếp tục được tham gia vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023. Chia sẻ về cuộc thi lần này, chị Hồng cho biết: “Tôi luôn nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dù vậy, mình chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà phát triển sản phẩm là chưa đủ. May mắn, khi dự án vào vòng chung kết vùng, được tham dự lớp tập huấn ươm tạo, đào tạo nâng cao năng lực xây dựng các dự án khởi nghiệp, tôi có khả năng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, chiến lược kinh doanh; kỹ năng thương mại hóa, truyền thông phát triển thương hiệu; kỹ năng thuyết trình cả bằng văn bản và bằng lời trực tiếp tới các nhà đầu tư, các đối tác… Những kiến thức này hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển kinh doanh của tôi thời gian tới”.

 

Thực hiện Đề án 939, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp. Cuộc thi năm nay, các dự án khởi nghiệp được hội đồng giám khảo là các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thương mại… hỗ trợ, tư vấn để các dự án của phụ nữ ngày càng thành công, đứng vững trên thị trường.

 

Bà Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết: “Những dự án tham gia cuộc thi lần này được ban giám khảo đánh giá rất cao; nhiều sản phẩm rất đặc biệt, đáp ứng thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Đối với các sản phẩm còn nằm trên ý tưởng, Trung ương hội sẽ tổ chức chương trình hoặc kêu gọi để hỗ trợ chị em”.

 

Vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa cấp vùng khu vực miền Trung năm 2023 có 22 dự án đến từ 13/19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, mang đến sự đa dạng về sản phẩm, loại hình dịch vụ. Cuộc thi giúp phụ nữ trang bị nhiều kinh nghiệm, kiến thức, mạnh dạn vượt khó, phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên địa phương.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek