Trong thời đại công nghệ 4.0, phương tiện cơ giới phát triển, nông dân chủ yếu nuôi trâu, bò để lấy thịt, không tận dụng sức kéo cày bừa như trước đây. Chỉ ở những vùng đồng ruộng trũng, nhỏ lẻ, máy cày không vào được thì mới dùng sức trâu, bò.
Chiều mùa hè, ông Lê Văn Lạt ở xã An Xuân (huyện Tuy An) ngồi ở hàng ba nhìn ra trước nhà trầm trồ: Nay nông dân nuôi toàn bò đẹp, giống lai cân đầu cân đuôi, càng lớn càng bung đùi đổ thịt. Nếu được nuôi tốt, bò đực có thể cao 1,7-1,8m.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) nói: Hồi trước, làm đồng chủ yếu dùng sức trâu, bò cày. Sau này ra đời máy cày càng, rồi máy cày chảo, hiếm thấy người cày đồng bằng trâu, bò. Máy cày thường cày ruộng theo ban lô, liền thửa liền vùng, những mảnh ruộng nhỏ, nằm cô lập khó cày máy, vẫn phải dùng sức bò cày. Vừa rồi ruộng lúa nhà tôi cắt xong, ruộng xung quanh còn xanh, máy cày chưa xuống đồng được. Tôi cùng ông anh gần nhà lùa bò cày ải sớm, tận dụng công lao động nông nhàn tiết kiệm chi phí thuê máy cày...
Dùng bò cày ải sớm diệt cỏ dại, tốt cho ruộng đồng. Ảnh: LÊ TRÂM |
Ông Bùi Văn Dũng, người đi cày với ông Tuấn cho hay: Ở huyện Đồng Xuân, chuyện lùa bò đi cày như anh em tôi hiện rất hiếm. Bây giờ nông dân nuôi bò chủ yếu bán thịt, nhiều mô hình nuôi bò vỗ béo được triển khai đến người dân, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi bò.
Từ nuôi bò để đi cày, đến kéo cộ là chính, thì nay nông dân chủ yếu nuôi bò vỗ béo, bán thịt. Tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo, ông Bùi Văn Trí ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) về đầu tư nuôi bò. Vừa rồi, gia đình ông bán 2 con bò để mua sắm vật dụng gia đình. Theo ông Trí, nuôi bò thương phẩm khá thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng bệnh và cho thu nhập ngay trong thời gian ngắn. Con bò to sức, ít bị bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, lại có thể chủ động một phần thức ăn, cộng với nhu cầu thị trường luôn có người mua nên giúp nông dân nuôi ổn định, bền vững.
Còn ông Nguyễn Văn Đức ở xã Hòa Mỹ Tây cho rằng, nhiều gia đình ở vùng nông thôn vẫn xem con bò là tài sản quý của gia đình. Ở vùng này đi từ đầu trên đến xóm dưới nhà nào cũng nuôi bò, người ít nhất 2 con, có nhà thì trong chuồng 5-6 con.
Ở xã Hòa Trị, Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) người dân lại chú trọng việc nuôi trâu. Ông Nguyễn Văn Long, người chuyên nuôi trâu ở xã Hòa Trị, chia sẻ: Gia đình tôi tính ra 3 đời nuôi trâu. Con trâu là vật nuôi thích nghi tốt với điều kiện thời tiết địa phương, chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Chăn nuôi trâu cũng ít gặp rủi ro hơn chăn nuôi các loài động vật khác. Trước đây vùng này nuôi trâu phục vụ đồng áng, nay có máy cày thay thế. Tuy nhiên ở những chân ruộng sình lầy, máy cày không vào được, chỉ có sức trâu mới cày bừa nổi.
Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 200.000 con bò và 6.000 con trâu. Sản lượng thịt trâu bò hơi đạt 17.600 tấn/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, gắn với kiểm soát dịch bệnh; đồng thời cơ cấu lại vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, chú trọng nâng cao chất lượng đàn giống, nên chất lượng đàn vật nuôi được nâng lên. Đến nay, tỉ lệ đàn bò lai chiếm trên 74% tổng đàn.
MẠNH LÊ TRÂM