Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực thực hiện các đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản (SKSS), đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT có chất lượng đến người dân.
Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn
Trước đây, người dân thực hiện KHHGĐ có nhu cầu về PTTT đều được Nhà nước cung cấp miễn phí. Đến năm 2016, PTTT được Nhà nước hỗ trợ một phần. Từ năm 2018 đến nay, các đối tượng được cấp miễn phí PTTT tiếp tục thu hẹp. Để người dân thay đổi thói quen, thái độ, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các PTTT, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã tăng cường công tác truyền thông về sản phẩm, vận động người dân tham gia chương trình tiếp thị xã hội các PTTT dưới nhiều hình thức.
Từ năm 2017-2022, bình quân mỗi năm 2 đợt, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên phối hợp với trung tâm DS-KHHGĐ (nay là phòng dân số và y tế cơ sở) các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lồng ghép nội dung xã hội hóa các PTTT, hàng hóa và dịch vụ chăm sóc SKSS trong công tác tuyên truyền tại cộng đồng để người dân biết và hưởng ứng.
Các đợt truyền thông đã thu hút khoảng 6.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, qua kênh cán bộ dân số cấp xã, cộng tác viên dân số, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các PTTT cũng thường xuyên lồng ghép vào các hoạt động về chăm sóc SKSS, KHHGĐ.
Các buổi truyền thông tập trung vào các nội dung chính: truyền thông về chủ trương xã hội hóa cung cấp các PTTT và dịch vụ KHHGĐ; giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại, cơ chế tác dụng của các PTTT; cung cấp kiến thức về cách phòng tránh thai, kiến thức về chăm sóc SKSS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Việc đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị các PTTT giúp tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu PTTT cho người dân, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
Gia đình chị Đinh Thị Nga (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) có 2 con trai. Chị Nga buôn bán, chồng chị làm giáo viên, kinh tế gia đình ổn định. Vợ chồng chị đã sử dụng PTTT để tránh mang thai ngoài ý muốn, tập trung nuôi dạy 2 con cho tốt. Chị Nga chia sẻ: “Được cán bộ dân số xã tuyên truyền tích cực, gia đình tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Việc sinh đủ 2 con và sử dụng biện pháp tránh thai giúp vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, chăm sóc các con”.
Giúp người dân lựa chọn phù hợp
Xã hội hóa các PTTT là xu thế tất yếu, không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai tốt nhất và phù hợp với bản thân để bảo vệ sức khỏe, giảm có thai ngoài ý muốn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của Đề án 818 “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020”, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định 718 tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng).
Việc triển khai đề án tập trung vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS có chất lượng cho người dân, nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.
Ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: Để hoạt động xã hội hóa PTTT trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, phòng dân số và y tế cơ sở các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của các PTTT hiện đại; triển khai các hoạt động theo Kế hoạch 18 của Sở Y tế Phú Yên về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng Chương trình xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS giai đoạn 2022-2025, qua đó giúp phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Xã hội hóa cung cấp PTTT được coi là một trong những giải pháp huy động, đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên |
THÁI HÀ