Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh không ngừng được đẩy mạnh, phong phú về hình thức, thiết thực về nội dung... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Tại huyện Sông Hinh, Sở LĐ-TB&XH vừa giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Lao động về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; thời giờ làm việc - thời giờ nghỉ ngơi; kỷ luật lao động - trách nhiệm vật chất; lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; lao động đặc thù; bảo hiểm xã hội; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; giải quyết tranh chấp lao động và đình công… cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn.
Ông Nay Y Tôn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Hinh, cho biết: Phổ biến pháp luật lao động là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động cập nhật các thông tin về pháp luật lao động, nhất là các nội dung mới của Bộ luật Lao động năm 2019, giúp cán bộ, công chức, người lao động, người sử dụng lao động kịp thời nắm bắt được các thông tin cần thiết về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Anh Phan Công Sanh, công nhân Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên (huyện Sông Hinh) nói: Sự tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp công đoàn trong tỉnh và công ty đã góp phần giúp người lao động chúng tôi khi tham gia quan hệ xã hội có cách xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng tôi luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Xuyên suốt từ năm 2009 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực chủ động phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 43.519 lượt người lao động đã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động. Riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, đã tổ chức hơn 50 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho 10.000 lượt người lao động, người sử dụng lao động”, ông Huỳnh Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), cho biết.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, trong tháng 5, Sở LĐ-TB-&XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động, đối thoại về quyền và nghĩa vụ cho hàng ngàn lượt người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời biên soạn và cấp phát miễn phí 2.000 cuốn sổ tay Hỏi - Đáp về Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cho người lao động tại 3 khu công nghiệp: Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu và 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ông Huỳnh Tấn Ánh, Phó Giám đốc điều hành Xí nghiệp Veston (Công ty CP An Hưng), nói: Xí nghiệp luôn phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động về các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động; các luật, văn bản liên quan đến lao động…
Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tại xí nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đánh giá: Nhìn chung các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và pháp luật có liên quan. Từ đó, nhận thức pháp luật, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đồng thời từng bước thúc đẩy và duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Các hình thức trực tiếp tuyên truyền, đối thoại Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng đa dạng, phù hợp hơn với đối tượng và loại hình hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo viên ngày càng có kinh nghiệm, chuyên sâu nghiên cứu, phương pháp tuyên truyền, đối thoại đáp ứng yêu cầu thực tế.
Sau mỗi buổi tuyên truyền, báo cáo viên bố trí thời gian thích đáng, để người lao động trực tiếp đối thoại, trình bày những vấn đề chưa rõ hoặc còn vướng mắc. Đồng thời giải thích rõ và hướng dẫn biện pháp tháo gỡ những vướng mắc tại doanh nghiệp, để người lao động an tâm tiếp tục làm việc lâu dài, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, chia sẻ: Công ty thường xuyên tổ chức phổ biến pháp luật lao động đến người lao động; thực hiện mức lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng, xây dựng thang, bảng lương, quy chế nghỉ ngơi, kỷ luật lao động; việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Công tác này đã tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, Luật Lao động nói riêng; nâng cao ý thức trách nhiệm của công ty trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế phát sinh tranh chấp lao động trong công ty.
Ông Phan Đại Thắng cho rằng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, đối thoại pháp luật lao động cho người lao động của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác này chưa đạt như kế hoạch đề ra. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đòi hỏi cần nhiều thời gian và tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển.
“Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đạt hiệu quả hơn, các ngành, địa phương, chủ sử dụng lao động cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Trong đó, chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đảm bảo phù hợp với thực tế nhu cầu của từng nhóm đối tượng, từng cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động tư vấn, đối thoại, tư vấn trực tiếp, hướng dẫn bằng văn bản, các cấp, ngành hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức giải quyết tranh chấp lao động, đình công; phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; biên soạn và phát hành cẩm nang về pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các chính sách bảo hiểm xã hội”, ông Phan Đại Thắng nhấn mạnh.
Từ năm 2019 đến nay, 43.519 lượt người lao động đã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động. Riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã tổ chức hơn 50 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho 10.000 lượt người lao động, người sử dụng lao động.
Ông Huỳnh Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) |
KIM CHI