Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 7/5, khu vực phía tây Bắc Bộ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C, độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 30-45%.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 45-60%.
Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; độ ẩm tương đối thấp, từ 40-60%. Từ ngày 8/5, nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt.
Cụ thể, ngày 7/5, phía tây Bắc Bộ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C, thời gian nắng nóng từ 10-17 giờ, độ ẩm tương đối thấp, từ 35-45%.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên 36-39 độ C, có nơi trên 40, thời gian nắng nóng từ 10-18 giờ, độ ẩm tương đối thấp, từ 30-45%.
Đồng bằng Bắc Bộ 35-36 độ C, thời gian nắng nóng từ 12-16 giờ, độ ẩm tương đối thấp từ 45-60%. Khu vực Nam Bộ 35-37 độ C, thời gian nắng nóng từ 11-17 giờ, độ ẩm tương đối thấp từ 40-60%. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp; gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với người tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định ngày 7/5, nhiều thành phố khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có ngưỡng chỉ số tia cực tím rất cao. Thời điểm xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại thường xảy ra từ 10 giờ đến 13 giờ.
Cụ thể, ngày 7/5, chỉ số tia cực tím tại các thành phố: Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là 9.6; Đà Nẵng 9.4; Hội An (tỉnh Quảng Nam) 9.6; Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 9.2; TP Hồ Chí Minh 9.6; Cần Thơ 9.7; Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 9.3.
Từ ngày 8-10/5, chỉ số tia cực tím các thành phố: Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là 9, 8, 8; Đà Nẵng là 9, 8, 8; Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 10, 8, 8; Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 8, 8, 8; TP Hồ Chí Minh là 9, 7, 7; Cần Thơ là 9, 7, 6; Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 8, 7, 6.
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3-6 là trung bình, từ 6-8 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Theo các chuyên gia, tia cực tím là loại tia mà con người vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tia cực tím nằm trong ánh sáng mặt trời, bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia cực tím và chỉ khác nhau về bước sóng.
Chống tia cực tím không chỉ đơn thuần là chống nắng hàng ngày vì trong ánh nắng mặt trời chỉ có 10% là tia cực tím.
Vào những ngày mưa hoặc nhiều mây, còn nhiều các loại tia khác vẫn hoạt động âm thầm, có thể xuyên qua mây mù và gây ra các tổn thương da trong một thời gian dài hoặc gây say nắng, làm đen da.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động có biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím như đeo kính mắt có tác dụng chống tia cực tím, đội mũ, quần áo chống nắng, hạn chế ra nắng giờ cao điểm, sử dụng kem chống nắng có quang phổ rộng, nên bôi lại kem chống nắng sau 2 giờ.
Theo TTXVN/Vietnam+