Từ ngày 1/3/2023, Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2022 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục (Thông tư 27) bắt đầu có hiệu lực.
Theo Thông tư 27, trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng khi tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của trẻ em phải phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.
Giúp trẻ em phát triển trí tuệ, thể chất
Có một điều chúng ta dễ nhận ra rằng, trẻ em ngày nay có xu hướng dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Thay vì vui chơi ngoài trời, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường hay những buổi sinh hoạt thiếu nhi tại nhà văn hóa, nhiều em lại thích ở nhà cùng với máy tính, điện thoại thông minh…
Chị Diệp Thị Lan, phường 4 (TP Tuy Hòa), bộc bạch: Con trai tôi đang học lớp 6. Trong giờ học văn hóa thì không nói, nhưng khi rời sách vở, cháu lại không thích ra ngoài vui chơi cùng các bạn trong xóm mà chỉ quanh quẩn trong phòng với chiếc điện thoại hoặc xem phim hoạt hình trên ti vi.
Còn anh Nguyễn Tấn Phát, phường 7 (TP Tuy Hòa), chia sẻ nỗi khổ khi cậu con trai của mình ngại tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Anh Phát nói: Trừ trường hợp nhà trường bắt buộc hoặc trừ hạnh kiểm thì cháu mới chịu tham gia, còn không thì cháu rất ít khi tham gia sinh hoạt cộng đồng cùng các bạn. Thậm chí, mỗi cuối tuần, muốn cháu về quê để “đổi gió” cũng không hề dễ dàng.
Theo ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, mỗi năm trung tâm đều tổ chức các lớp truyền thông cộng đồng, sinh hoạt cho trẻ em trong toàn tỉnh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, trẻ em ít có điều kiện vui chơi. Đơn cử, năm 2022, trung tâm đã tổ chức các lớp truyền thông kỹ năng sống cho 4.234 học sinh tại các trường học trên địa bàn TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa. Hầu hết tại các điểm truyền thông, người dân đều rất thích nghe các chủ đề về phòng tránh xâm hại trẻ, kỹ năng sống, đặc điểm tâm lý của tuổi dậy thì, phòng tránh tai nạn thương tích… Số lượt người tham dự các buổi truyền thông ngày càng đông, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. “Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19, trung tâm đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho trẻ em mồ côi, trẻ khó khăn trong tỉnh để các em tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời, giúp trẻ luôn khỏe mạnh và học hỏi được nhiều điều hay”, ông Lê cho biết.
Em Đỗ Chí Hùng (huyện Tây Hòa) nói: Em rất vui khi được tham gia các trò chơi với các bạn cùng cảnh ngộ do các anh chị, cô chú ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh tổ chức. Qua đó, chúng em được trải nghiệm những kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân; được hòa mình vào không khí trong lành; vui chơi những trò chơi phát triển trí tuệ, thể chất…
Lan truyền năng lượng tích cực
Theo quy định tại Thông tư 27, với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động phải có trách nhiệm lấy ý kiến của trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Với trẻ em dưới 7 tuổi thì cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có quyền thay mặt trẻ em cùng tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục là hoạt động nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, sức khỏe, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế mà trẻ em tham gia không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cha, mẹ, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.
Nội dung chương trình được yêu cầu phải phù hợp với năng lực, độ tuổi của trẻ em; bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện và không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Khi trẻ tham gia vào các trò chơi vận động bên ngoài, chúng sẽ phát triển tốt khả năng quan sát, học hỏi. Đây cũng chính là tiền đề để các bé tự trang bị cho mình những kỹ năng sống quan trọng. Bên cạnh đó, những trẻ thích các hoạt động ngoài trời thường có xu hướng năng động và có sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, hoạt động này cũng cho bé một cơ hội tốt để lan truyền năng lượng tích cực của mình đến mọi người xung quanh.
“Trong thời gian tới, đặc biệt là Tháng hành động vì trẻ em này (tháng 6), Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai các giải pháp hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em thuộc trách nhiệm và thẩm quyền để phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông ở trẻ em; bàn giao quản lý trẻ em trong dịp hè. Đồng thời triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tổ chức diễn đàn trẻ em ở các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em”- bà Thy cho biết thêm.
“Hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục là hoạt động do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức dành cho trẻ em nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, sức khỏe, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế mà trẻ em tham gia không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cha, mẹ, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục”.
(Điều 2, Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH) |
HOÀNG LÊ