Các đợt thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) trên địa bàn Phú Yên gần đây cho thấy, hầu như cứ kiểm tra là phát hiện có sai phạm. Báo Phú Yên đã trao đổi với Chánh Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đặng Văn Sửu về vấn đề này trong dịp ông công tác tại Phú Yên. Ông Sửu cho biết:
Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh kiểm tra về đo lường chất lượng một cơ sở kinh doanh xăng dầu ở huyện Phú Hòa – Ảnh: MINH NGUYỆT |
- Đảm bảo các yêu cầu về TCĐLCL cho người tiêu dùng là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng phải giám sát điều đó. Nhu cầu của xã hội ngày càng tăng, yêu cầu của người dân về TCĐLCL ngày càng tăng. Trong khi đó, nhân lực để kiểm tra hoạt động này có hạn nên không thể chỉ dựa vào các cuộc kiểm tra, xử phạt của các cơ quan nhà nước mà cần có sự tham gia đồng bộ hơn.
Kiểm tra TCĐLCL thực ra rất khó. Khi sản phẩm đã trở thành thành phẩm, việc phân chất để biết được trong thành phần sản phẩm có những gì, đúng hay không đúng với đăng ký của nhà sản xuất là một việc làm rất khó. Đó là chưa kể các phương pháp phân tích, thí nghiệm kiểm tra của đơn vị kiểm tra cũng phải là phương pháp được công nhận...
* Hoạt động về TCĐLCL được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Đây vừa là nội dung của hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), vừa là công cụ phục vụ quản lý kinh tế, xã hội. Hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Để đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong đo lường, các phương tiện đo dùng để định lượng hàng hóa hay dịch vụ trong mua bán, thanh toán; các phương tiện đo liên quan đến đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường; các phương tiện đo dùng trong giám định tư pháp hoặc các công vụ khác của nhà nước phải được quản lý từ khâu sản xuất, nhập khẩu, buôn bán đến quá trình sử dụng.
* Việc quản lý hoạt động TCĐLCL được thực hiện ra sao?
- Về đo lường phải đảm bảo tính đúng đắn của các phương tiện đo trong sản xuất, lưu thông, phân phối. Các đơn vị kinh doanh nên thường xuyên tổ chức sửa chữa, kiểm định các phương tiện đo, đặc biệt là ở các chợ. Về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hàng hóa: Cần đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa do các cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo đăng ký, hoặc đạt chất lượng theo quy định của nhà nước đối với hàng hóa trong danh mục bắt buộc đăng ký chất lượng như thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp... Đối với các sản phẩm của nơi khác sản xuất lưu thông trên địa bàn, cần chú ý theo dõi phát hiện hàng giả, hàng mất phẩm chất, quá hạn sử dụng hoặc hàng nhái nhãn hiệu để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.
* Việc kiểm định sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Về bản chất kỹ thuật, việc kiểm định được thực hiện tương tự như việc hiệu chuẩn. Nhưng về mặt pháp lý, đây là quá trình đối chiếu kết quả thu được với các yêu cầu đã quy định để xem phương tiện đo có phù hợp không. Phương tiện đo đưa vào sử dụng khi đã được kiểm định và còn hiệu lực. Trước khi hết chu kỳ kiểm định, người sử dụng phải đăng ký kiểm định lại, không được phép sử dụng phương tiện đo khi đã hết hiệu lực kiểm định. Trong quá trình sử dụng phương tiện đo, phải đảm bảo hoạt động đúng quy định và chịu trách nhiệm bảo vệ các chứng chỉ kiểm định.
* Xin cám ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)