Thứ Tư, 02/10/2024 15:14 CH
Để cải thiện chất lượng không khí tạo môi trường trong lành
Thứ Năm, 25/09/2008 10:00 SA

Tại hầu hết các khu công nghiệp (KCN), khu vực đô thị, khu dân cư tập trung... ở Phú Yên hiện đang có mức ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều này gây tác động xấu đến sức khỏe con người, làm giảm chất lượng cuộc sống. Làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí tạo môi trường trong lành.

 

duong-pho-080925.jpg

Tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến giao thông để giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường  - Ảnh: N.T

 

KHÔNG KHÍ NHIỀU VÙNG BỊ Ô NHIỄM

 

Theo số liệu của ngành chức năng, hàng năm, lượng khí thải ở Phú Yên khoảng 28.196 tấn, chủ yếu do các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông. Trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 95% khí thải NO2, giao thông chiếm 85% khí thải CO2.

 

Do công nghiệp của Phú Yên phát triển chưa mạnh, số nhà máy lớn còn ít, số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ công nghệ còn lạc hậu, thiếu hệ thống xử lý chất thải nên nguồn ô nhiễm xảy ra cục bộ. Các cơ sở sản xuất như sản xuất gạch ngói, ép mía đường đều sử dụng lượng lớn củi đốt gây ra lượng khí thải có tro bụi khá lớn. Gần đây, việc gia tăng sản xuất công nghiệp kéo theo mức độ ô nhiễm không khí cũng gia tăng, nhiều chỉ số vượt quá chỉ tiêu cho phép. Qua mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Môi trường Phú Yên đặt tại các khu vực “nhạy cảm” cho thấy, môi trường không khí của những nơi đó đều đáng báo động.

 

Đối với đô thị trong tỉnh, nguồn ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ hoạt động giao thông diễn ra hằng ngày. Hiện nay, lượng ô tô và xe gắn máy tại các đô thị tăng nhanh, do đó ô nhiễm không khí do các chất thải từ giao thông cũng đang có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường không khí từ các nguồn thải khác như mùi hôi thối của nước thải đô thị; mùi, bụi từ chất thải rắn phát sinh từ sinh hoạt hay sản xuất chưa được thu gom xử lý triệt để. Ngoài ra, do điều kiện khí hậu khô nóng của miền Trung, nên khi có gió tây nam thì hàm lượng bụi cát trong không khí tăng cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân.

 

Đối với vùng nông thôn, ô nhiễm không khí do công nghiệp chỉ xảy ra cục bộ, chung quanh các điểm sản xuất. Ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải không đáng kể nhưng lại phải chịu tác động môi trường của một lượng lớn hóa chất nông nghiệp được sử dụng hàng năm trung bình 26.000 tấn phân bón và 300 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Các hóa chất nông nghiệp có tác hại lớn đối với đường hô hấp, gây các bệnh về mắt, da và tác động thần kinh. Bên cạnh đó, khí thải từ các làng nghề cũng thải ra liên tục do điều kiện quy định xả thải chưa nghiêm ngặt cũng như điều kiện kinh tế đầu tư cho thiết bị sản xuất và các kỹ thuật hạn chế tác động môi trường chưa cao như tình trạng ô nhiễm do khói thải của các lò gạch ngói sử dụng nhiên liệu đốt lò bằng vỏ hạt điều. Một nguồn ô nhiễm không khí khác cần lưu tâm là cháy rừng, không chỉ gây thiệt hại cho tài nguyên rừng mà còn tạo nên một lượng tro bụi lớn thải vào không khí, góp phần gây ô nhiễm môi trường.  

 

HẠN CHẾ NGUY CƠ GIA TĂNG Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ, CÁCH NÀO?

 

Theo tính toán của Chi cục Môi trường Phú Yên, với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời kỳ 2001-2010 là 12-13%, thì quá trình đô thị hóa lên 30% năm 2010. Điều đó cũng đồng nghĩa nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, nếu ngay từ bây giờ không có giải pháp giải quyết hợp lý.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vy, Chi cục phó Chi cục Môi trường Phú Yên, môi trường không khí của Phú Yên cơ bản còn trong lành, song điều cần cảnh báo là ở khu vực đô thị, các khu dân cư tập trung và các KCN. Để đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng phải thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp với sự tham gia của nhiều ngành và cả cộng đồng như: Lồng ghép nội dung môi trường và xử lý khí thải vào quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; xây dựng và hoàn thành quy chế, tiêu chí cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, có quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí đô thị; có chính sách ưu đãi cho các phương tiện sản xuất kinh doanh và giao thông sạch, phương tiện giao thông lưu hành trong khu vực đô thị phải đạt tiêu chuẩn môi trường; nâng cấp hệ thống thoát nước, có hệ thống xử lý nước thải đô thị. Xử lý triệt để chất thải độc hại khác có thể gây ô nhiễm không khí…

 

Hiện tại, công nghệ sản xuất ở hầu hết các nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu và các doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra một lượng lớn các loại chất thải với nhiều thành phần và tính chất khác nhau. Do vậy, đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến công nghệ, tiết kiệm và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạn chế phát thải các chất khí CO2 , SO2, NO2 , H2S, NH3... Vấn đề quy hoạch công nghiệp chưa hợp lý, việc phân bố các nhà máy, cơ sở sản xuất nằm rải rác trong các khu dân cư có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cần có kế hoạch di dời vào các KCN tập trung, xa các điểm dân cư tập trung.

 

Đối với hoạt động giao thông vận tải, cần đưa nhiệm vụ, mục tiêu kiểm soát ô nhiễm giao thông vào quy chế bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực, phương tiện cho kiểm soát ô nhiễm giao thông; có chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; quy hoạch, trồng cây xanh hợp lý dọc các tuyến đường giao thông đảm bảo khả năng thanh lọc không khí và điều hòa khí hậu.

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị, kịp thời cảnh báo để có biện pháp kiểm soát những chỉ tiêu vượt mức tiêu chuẩn cho phép.

 

 

KCN Đông Bắc Sông Cầu có nồng độ NO2 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,55 lần, SO2 vượt 1,29 lần và H2S vượt 1,19 lần. KCN Hoà Hiệp có nồng độ H2S vượt tiêu chuẩn cho phép 1,19 lần. Tại vị trí cổng Nhà máy đường Sơn Hoà nồng độ SO2 vượt 1,09 lần, NO2 vượt 1,25 lần, H2S vượt 1,9 lần. Vị trí đo đạc tại cổng Nhà máy Đường Tuy Hoà thì nồng độ SO2 vượt  tiêu chuẩn 1,2 lần, NO2 vượt 1,15 lần.

 

 Tại ngã ba Triều Sơn và Cảng cá Dân Phước (huyện Sông Cầu) có nồng độ NH3 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,05 - 1,2 lần; ngã 3 thị trấn Chí Thạnh - quốc lộ 1A (huyện Tuy An) có lượng bụi vượt 1,07 lần, CO2 vượt 1,05 lần, NH3 vượt 1,1 lần, độ ồn vượt 1,08 lần; ngã 3 Cây Bảng (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) có nồng độ SO2 vượt 1,14 lần, NO2 vượt 1,15 lần, độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép 1,1 lần.

 

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek