Đầm Ô Loan là danh thắng tiêu biểu của tỉnh Phú Yên và được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996. Sở Xây dựng Phú Yên đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng làm cơ sở quản lý hoạt động xây dựng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, đến năm 2025 Tuy An phát triển thành thị xã.
Nội dung chính của đồ án
Đầm Ô Loan gần đây đã được huyện Tuy An tháo dỡ các đầm, đìa nuôi tôm, trả lại mặt nước thông thoáng. Mới đây, Sở VH-TT-DL Phú Yên tiến hành cắm mốc vành đai bảo vệ 1, bảo vệ 2 và bàn giao cho huyện quản lý theo Luật Di sản. Sở NN-PTNT cho trồng thí điểm 50ha rừng ngập mặn, phát triển khá tốt, chất lượng nguồn nước dần được cải thiện, nhiều loài hải sản đang được hồi sinh và phát triển.
Nội dung của đồ án quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/5.000 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040. Khu vực lập quy hoạch gồm 4 xã xung quanh đầm Ô Loan: An Cư, An Hiệp, An Ninh Đông và An Hòa Hải. Phạm vi ranh giới bên trong trùng với ranh giới bảo vệ cấp 1 của di tich thắng cảnh đầm Ô Loan; ranh giới ngoài: phía đông dọc bờ biển, phía tây dọc theo quốc lộ, phía nam theo ranh giới hành chính xã An Hòa Hải với xã An Mỹ, phía bắc từ khu vực núi Cấm (xã An Ninh Đông) đến núi Xóm Cầu (xã An Cư).
Khu vực quy hoạch có quy mô 4.177ha, trong đó diện tích mặt nước đầm Ô Loan khoảng 1.500ha với địa hình đa dạng đồng bằng, đồi núi, đầm và biển, nhiều khu vực trũng thấp thường bị ngập lụt. Dân số hiện nay khoảng 25.000 người, phần lớn là lao động nông nghiệp, trồng trọt và đánh bắt hải sản. Dự kiến dân số theo quy hoạch đến năm 2025 là 35.000 người, đến năm 2040 là 69.000 người.
Căn cứ vào tính chất hiện trạng phân bổ về dân cư, địa hình, vị trí kết nối đối ngoại và tương quan với không gian mặt đầm Ô Loan, phương án phát triển đô thị khu vực này theo mô hình so le - phân cực. Khu vực nghiên cứu chia làm 5 tiểu vùng: Tiểu vùng 1 thuộc xã An Cư và một phần xã An Hiệp; tiểu vùng 2 thuộc xã An Ninh Đông và một phần xã An Hòa Hải; tiểu vùng 3 là vùng núi phía đông xã An Hòa Hải; tiểu vùng 4 là phía đông - nam xã An Hòa Hải và tiểu vùng 5 là phía tây xã An Hòa Hải và một phần xã An Hiệp.
Mỗi tiểu vùng có đặc điểm hiện trạng khác nhau, có lợi thế phát triển khác nhau, được tổ chức không gian đô thị khác nhau, đồng thời cũng có những hạn chế khác nhau, đây là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư các dự án vào khu vực này.
Kiến trúc công trình tôn trọng nhà ở có vườn, nhà ở thấp tầng, nhà ở kết hợp với làng nghề như dệt chiếu cói, đan thúng chai, đánh bắt thủy sản… Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng.
Giao thông trong khu vực có 2 đường đối ngoại chính theo hướng bắc - nam đó là quốc lộ 1 và ĐT649 (trục động lực kinh tế biển), trục ĐT649 có lộ giới rộng 42m. Các đường liên khu vực lộ giới 25m, đường khu vực lộ giới 13,5-17,5m. Về cấp nước đô thị, dự kiến nguồn nước lấy từ nhà máy nước Chí Thạnh, nâng công suất nhà máy này lên khoảng 10.000m3/ngày đêm, xây dựng trạm tăng áp phía bắc trên ĐT649 công suất khoảng 5.000m3/ngày đêm, trạm tăng áp phía tây dọc quốc lộ 1 công suất khoảng 3.000m3/ngày đêm.
Các di sản gần khu vực quy hoạch có gành Đá Đĩa, thành An Thổ, chùa Từ Quang (Đá Trắng) và nhiều công trình tôn giáo khác như chùa Bát Nhã (chùa Tổ), chùa Cổ Lâm Hội Tôn, nhà thờ Mằng Lăng, nhà thờ Chợ Mới… Ngoài ra còn có lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, lễ hội cầu ngư tại các làng biển và các làng nghề truyền thống...
Để từng bước thực hiện dự án trên đòi hỏi phải có nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, bởi ngoài chức năng phát triển đô thị còn phải bảo tồn và phát huy giá trị đầm Ô Loan, đây là thách thức lớn đặt ra cho đồ án này.
Bản đồ Quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh đầm Ô Loan. Ảnh: CTV |
Những thách thức và giải pháp
Khu vực quy hoạch nhiều vùng trũng thấp, khi phát triển thành đô thị cần nâng cao cốt nền, theo đồ án quy hoạch khối lượng đất đắp khá lớn 4,4 triệu m3. Về vấn đề cấp nước sạch đô thị, khu vực quy hoạch bao quanh đầm có địa hình cao thấp khá phức tạp, ngoài đầu tư 2 trạm tăng áp, các đường ống cấp nước được lắp đặt khi có hệ thống đường giao thông nội bộ.
Địa phương cũng cần không ngừng cải tạo chất lượng nguồn nước trong đầm, vì đầm nước lợ do nguồn nước ngọt từ sông, suối chảy về và nguồn nước mặn từ biển vào.
Vùng núi rộng lớn phía tây quốc lộ 1 cần chuyển đổi từ trồng cây ngắn ngày có dùng thuốc trừ sâu sang trồng cây lâu năm, trồng thành rừng, dự trữ nguồn nước mưa, khai thông các khe suối đổ về đầm.
Theo kỹ sư Lê Văn Thứng, nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT Phú Yên, sông Lễ Thịnh dài hơn 7km, lòng sông rộng từ 30-50m, nên việc trao đổi nước từ đầm ra và từ biển vào rất hạn chế theo chu kỳ thủy triều trong ngày. Để khắc phục tình trạng này, địa phương cần đầu tư kiên cố, chống bồi lấp cửa biển Tân Quy và kiên cố 2 bên bờ sông. Ngoài chức năng tăng cường cung cấp nước mặn cho đầm Ô Loan, nơi đây còn là cảng du lịch, thuận lợi đi Hòn Yến, đảo Cù Lao Mái Nhà, vịnh Xuân Đài và còn là nơi tàu thuyền vào tránh trú bão. Mặt khác, việc khai thông mở rộng các cống rãnh hiện có từ đầm Ô Loan ra sông Lễ Thịnh sẽ giúp tăng cường trao đổi nước trong đầm.
Thách thức cuối cùng cần giải quyết là phải có kế hoạch đào tạo, chuyển đổi lao động từ sản xuất nông nghiệp sang lao động dịch vụ, để thích nghi với quá trình phát triển của đô thị, đây cũng là giải pháp cần được quan tâm.
Đầm Ô Loan như một công viên xanh khổng lồ của đô thị Tuy An, là danh thắng cấp quốc gia và là một trong những đầm nước lợ đẹp của Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, địa phương cần triển khai nhiều giải pháp để đầm Ô Loan ngày một đẹp hơn như nhà thơ Nguyễn Mỹ viết: Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG