Thứ Năm, 03/10/2024 13:24 CH
Phó giáo sư - tiến sĩ Chung Á:
Nên thay đổi cách truyền thông phòng chống HIV/AIDS
Thứ Hai, 25/08/2008 10:37 SA

Phó Giáo sư - tiến sĩ Chung Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam là người đã nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống HIV/AIDS. Không còn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng chống HIV/AIDS, song ông vẫn có mặt trên các “mặt trận” của cuộc chiến này. Mới đây, trong dịp về Phú Yên công tác, ông đã dành cho Báo Phú Yên cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề truyền thông phòng chống lây nhiễm HIV.

 

* Không ai có thể phủ nhận vai trò của truyền thông trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ. Song có ý kiến cho rằng đôi khi truyền thông đã làm cho người ta thêm kinh sợ căn bệnh AIDS, và vì thế, họ càng xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Ông nghĩ thế nào về ý kiến trên?

 

TS-1-080825.jpg

PGS - TS Chung Á – Ảnh: TRỌNG HẢO

- Không phải chỉ với bệnh AIDS mà với nhiều vấn đề, để người dân hiểu và làm đúng thì phải truyền thông. Vấn đề hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu chung trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS là đến năm 2010, khống chế tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức dưới 0,3%; làm cho 100% dân đô thị, 80% dân nông thôn và miền núi hiểu đúng về HIV/AIDS. Công tác truyền thông trong 20 năm qua đã có nhiều đóng góp, làm cho người dân từng bước một và ngày càng hiểu đúng hơn về HIV/AIDS. Trong giai đoạn đầu, chúng ta cảnh báo cho dân hiểu rằng căn bệnh này hết sức nguy hiểm. Nhưng giới truyền thông cũng có lúc phạm sai lầm, như quá nhấn mạnh về con đường lây lan mang tính hù dọa khiến người ta lo sợ. Trước nguy cơ thì người ta thường hù dọa. Nhưng nếu ngày nào cũng nói thông điệp mang tính hù dọa thì sẽ thành nếp nghĩ, và người ta sợ nên sẽ kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân AIDS.

 

Những người làm công tác truyền thông phải có kiến thức đầy đủ về HIV/AIDS. HIV chỉ lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Làm sao phải ngăn chặn nguy cơ lây lan qua đường máu, từ tiêm chích ma túy đến các dịch vụ y tế, cách ứng xử hằng ngày, như cấp cứu một người bị tai nạn chẳng hạn. Nếu đã có kiến thức thì việc ngăn chặn rất dễ. Chúng ta đã sai lầm khi nói HIV lây qua đường máu thì chỉ đề cập đến con đường ma túy. Sự thật ma túy không làm lây nhiễm HIV, mà hành vi sử dụng ma túy chung kim làm lây lan HIV. Và sự thật là HIV rất dễ ngừa qua những sinh hoạt thông thường.

 

Truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng là mang kiến thức lại cho người dân. Có những hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV, gồm để máu người khác vào trong máu mình, quan hệ tình dục mà không được bảo vệ. Nếu người dân có kiến thức, thay đổi những hành vi tình dục và hành vi liên quan đến máu thì không bao giờ bị lây nhiễm cả. Cái đích sắp tới là tập trung vào truyền thông để mọi người có những hành vi an toàn. Truyền thông mang đến cho người ta định hướng đúng. Nếu người làm truyền thông mà không hiểu biết đầy đủ về truyền thông thì có thể đưa ra những thông điệp sai.

 

* Để công tác phòng chống HIV/AIDS hiệu quả hơn, theo ông có nên thay đổi cách truyền thông?

 

- Đối với truyền thông, chúng ta phải thay đổi rất nhiều. Chúng ta sử dụng các hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng) giúp người dân từ không biết đến biết, nâng cao nhận thức về vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải tư vấn. Khâu này rất quan trọng. Thứ hai, trước giờ trong truyền thông, chúng ta chỉ chú ý đưa thông điệp đến mà không hiểu là đối tượng của chúng ta có chấp nhận thông điệp đấy hay không, khi chấp nhận rồi thì họ có thực hiện không? Ví dụ người tiêm ma túy thì phải có những dụng cụ để tiêm chích an toàn, người quan hệ tình dục không an toàn phải sử dụng bao cao su… Những dịch vụ đi kèm hết sức quan trọng!

 

* Số người nhiễm HIV thuộc nhóm đối tượng nguy cơ thấp đang có xu hướng gia tăng. Phải chăng thời gian qua, chúng ta quá chú trọng tuyên truyền cho nhóm nguy cơ cao mà chưa quan tâm đúng mức đến nhóm nguy cơ thấp?

 

- Quả thật là trong một thời gian, chúng ta dành lực lượng cũng như kinh phí chú trọng cho nhóm nguy cơ cao, làm những người dân bình thường nghĩ rằng lây nhiễm HIV là chuyện của nhóm nguy cơ cao chứ không phải của họ, vì vậy họ không tìm hiểu. Mà kỳ thực vấn đề này liên quan đến máu, đến tình dục chứ không phải mại dâm và ma túy. Và chính vì chủ quan nên họ dễ dàng lây nhiễm HIV. Đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là có rất nhiều người không thuộc nhóm nguy cơ nhưng là dân di biến động, thiếu sự tiếp cận, tuyên truyền - nhất là những người đi làm ăn xa nhà. Nhóm này dễ có những hành vi không an toàn, dễ nhiễm HIV. Thứ ba, trong quan hệ tình dục, người không có hành vi nguy cơ cao, nếu quan hệ với người nhiễm HIV mà không biết thì vẫn có thể nhiễm HIV. Trước đây, trong 100 người nhiễm HIV có đến 80 người do tiêm ma túy, nay con số này chưa đầy 50%, còn lại khoảng 50% là người dân bình thường ở các nhóm khác. Có nghĩa là HIV bắt đầu lan ra cộng đồng và không loại trừ bất cứ nhóm đối tượng nào. Những ai không có kiến thức và có hành vi không an toàn đều có thể nhiễm HIV.

 

* Làm thế nào để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình, thưa ông?

 

- Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS quy định: Người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết. Nếu thực hiện được điều này thì có thể giảm đi một con số hết sức đáng kể. Thời gian qua, vì chúng ta không chú trọng hoặc luật pháp của chúng ta không quy định đầy đủ về vấn đề này, nên nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, lấy chồng, lây HIV cho vợ, cho chồng. Và sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng làm cho người ta sợ, không dám thông báo. Ở đây có hai vấn đề, luật pháp và chấp hành luật pháp. Bên cạnh đó, chúng ta cần xóa bỏ sự kỳ thị, để mọi người thấy rằng AIDS là một căn bệnh như những căn bệnh khác. Và họ phải tự bảo vệ lấy họ cũng như người thân của mình, như vậy bi kịch lây nhiễm HIV trong gia đình sẽ giảm đi.

 

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek