Hàng năm, cứ đến mùa mưa, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) lại trở thành “ốc đảo”. Cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa có hướng giải quyết.
Cầu Cây Sung trên ĐT642 thuộc xã Xuân Sơn Bắc huyện Đồng Xuân thường bị ngập nước vào mùa mưa, gây ách tắc giao thông - Ảnh: HOÀI TRUNG |
Xã Xuân Sơn Bắc nằm dọc ĐT642 đoạn từ ngã ba Triều Sơn (huyện Sông Cầu) lên thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Đoạn đường này có một số điểm thường hay bị ngập nước vào mùa mưa bão như cầu Cây Sung, tràn sông Cô. Người dân ở đây cho biết, chỉ cần một trận mưa lớn là đoạn đường dài khoảng 300m phía đông cầu Cây Sung bị tắc giao thông từ 3 đến 5 ngày. Do đường đi qua khu vực trũng nên mỗi khi có mưa, nước từ suối Hà Dom đổ về làm ngập đường, cắt đứt giao thông giữa thôn Tân Bình và Tân Phước. Mỗi lần như vậy, gần 50 học sinh của Trường THCS Trần Quốc Tuấn nhà ở hai thôn Tân Phước, Tân Thọ phải dùng xuồng đi học, rất nguy hiểm đến tính mạng. Khi có lũ, cả khu vực cầu Cây Sung và tràn sông Cô đều ngập chìm trong biển nước, biến Xuân Sơn Bắc thành “ốc đảo”. Theo cụ Nguyễn Tự Nhiên, một người cao tuổi ở đây, thì năm nào cũng vậy cứ đến tháng 8 âm lịch, Xuân Sơn Bắc gần như bị cô lập với các xã khác trong thời gian từ 10 đến 15 ngày. Phương tiện giao thông vận tải duy nhất là các sõng nan dùng ở khu vực cầu Cây Sung và một chiếc xuồng máy hoạt động ở tràn sông Cô. Chính vì vậy những lúc đường bị ngập, tắc giao thông, nhiều học sinh của Trường THCS Trần Quốc Tuấn và Trường THPT Lê Lợi đóng ở thị trấn La Hai đành phải nghỉ học. Gian nan hơn cả vẫn là chuyển người bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng, gia đình phải dùng sõng đưa bệnh nhân ngược sông Kỳ Lộ lên Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân chữa trị. Đã có trường hợp sinh nở khó suýt mất mạng do không thể chuyển đi vì nước ngập.
Mùa mưa đã vậy, mùa nắng giao thông trên ĐT 642 qua xã Xuân Sơn Bắc cũng gặp khó khăn do cầu Cây Sung xuống cấp nghiêm trọng. Hiện chỉ có những xe có tải trọng nhỏ mới được lưu thông qua cây cầu già nua này, còn xe có tải trọng lớn phải đi đường tránh phía dưới. Tuy nhiên tuyến đường tránh này quá thấp (thấp hơn nhiều so với 300m đường phía đông cầu Cây Sung hay bị ngập) nên các xe cũng rất vất vả mỗi khi qua lại. Điều này làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lương thực, nông sản của người dân ở đây vì chi phí vận chuyển cao còn vào mùa mưa thì gần như chỉ bán cho đầu nậu tại địa phương với giá thấp.
Tình trạng bị cô lập của xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân năm nào cũng diễn ra, nhưng đến nay ngành Giao thông – Vận tải của tỉnh vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Bắc Đặng Ngọc Tân, hiện kinh tế cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày một khá hơn nhưng việc trở thành “xã ốc đảo” mỗi khi mùa mưa đến đã phần nào kiềm hãm sự phát triển của địa phương so với nhiều khu vực khác trong huyện. Ông Tân đề nghị nếu tỉnh chưa thể đầu tư xây dựng mới cầu Cây Sung và tràn sông Cô, thì trước mắt nên nâng cao mặt đường đoạn phía đông cầu Cây Sung để nơi này bớt ngập vào mùa mưa.
HOÀI TRUNG