Trong hai năm 2007- 2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh Phú Yên đã tổ chức điều tra, khảo sát, lập danh sách các đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, sưu tập hình ảnh nạn nhân, lập bản đồ các vùng rải và cấp độ nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn Phú Yên.
Một nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vượt lên bệnh tật - Ảnh: N.LƯU |
Hội đã thống kê số người phơi nhiễm chất độc hóa học là 8.869 người; trong đó số người trực tiếp tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm: 3.259; con đẻ người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng: 742; dân thường sống trong vùng bị nhiễm: 1.460 người… Tỉnh Hội đã phúc tra lập danh sách 1.200 hộ gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, là hộ nghèo có mã số (trong đó 142 hộ gia đình có từ 2 con trở lên bị dị dạng, dị tật nặng). Đến nay, Phú Yên đã phát triển được 1.995 hội viên (trong đó có 1.237 hội viên là NNCĐDC) đạt 61,27%. Bên cạnh đó, hội kết nạp 3 hội viên danh dự, trong đó có hội viên danh dự người Thụy Sĩ và Hàn Quốc. Tỉnh Hội Phú Yên cũng đã tiến hành các bước thành lập Hội NNCĐDC/dioxin cấp huyện, thành phố. Đến nay, 5 huyện đã có tổ chức hội, riêng việc thành lập hội cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thì chưa thực hiện được.
Từ năm 2005 - 2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng quyên góp được hơn 1,6 tỉ đồng và giúp đỡ trực tiếp cho NNCĐDC hơn 1 tỉ đồng. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được quan tâm đúng mức, với nhiều hình thức sáng tạo, như: mua bò giống laisind giao cho hộ gia đình nạn nhân chăn nuôi phát triển kinh tế, sau 3 năm chuyển giao cho hộ nạn nhân khác để họ tiếp tục chăn nuôi. Hội vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân, góp phần xóa nhà tạm bợ dột nát; hỗ trợ NNCĐDC khám chữa bệnh hiểm nghèo. Hội cũng đã trợ cấp khó khăn đột xuất, khó khăn đặc biệt cho nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời phối hợp với Báo Phú Yên, Tỉnh đoàn Phú Yên, các nhà hảo tâm thực hiện chương trình Tiếp sức đến trường cho học sinh là NNCĐDC nghèo vượt khó học giỏi…
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxintỉnh Phú Yên Trịnh Văn Phụng tặng quà cho nạn nhân ở huyện Sông Hinh - Ảnh: N.LƯU
\
Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên sẽ củng cố, kiện toàn tổ chức Hội các cấp, đẩy mạnh phong trào thi đua; phấn đấu kết nạp từ 3.000 - 4.000 hội viên; vận động 100% huyện, thành phố thành lập Hội Nan nhân chất độc da cam/dioxin, 70 - 80% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Bên cạnh đó, hội hướng dẫn lập từ 1.500 - 2.000 hồ sơ NNCĐDC/dioxin trong tỉnh để được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Hội phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, các ngành chức năng thực hiện chương trình Khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổng điều tra NNCĐDC ở Phú Yên; in và phát hành tập san phục vụ công tác tuyên truyền, giao lưu, quyên góp xây dựng quỹ hội 1 - 2 tỉ đồng để ủng hộ, giúp đỡ, khám chữa bệnh cho NNCĐDC.
Song song với các hoạt trên, hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, về vụ kiện và hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân, qua đó xã hội hóa công tác giúp đỡ NNCĐDC cả về tinh thần lẫn vật chất. Hội đề nghị Trung Ương Hội tích cực kiến nghị và đề xuất với các cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí về chế độ, chính sách đối với NNCĐDC là những người có công với cách mạng (trong đó có người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học), các chế độ chính sách khác đối với cán bộ hội chuyên trách các cấp, đặc biệt là trợ cấp cho phụ nữ bị phơi nhiễm CĐDC có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn ở vùng căn cứ cách mạng, vùng miền núi, hải đảo, vùng còn dư lượng dioxin cao.
TRỊNH VĂN PHỤNG
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên