Thứ Tư, 27/11/2024 02:54 SA
Những bông hồng trên công trường xây dựng
Chủ Nhật, 08/05/2022 07:00 SA

Trộn bê tông cho công trình dân dụng ở đường Hàm Nghi (TP Tuy Hòa). Ảnh: MINH CHÂU

Phụ nữ chân yếu tay mềm, thường hợp với các công việc nhẹ nhàng như may vá, thêu thùa, nội trợ, bán hàng, kế toán, văn thư… Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người đã không ngần ngại làm những công việc nặng nhọc trên các công trường xây dựng.

 

1. Dưới cái nắng tháng 5, tại công trường tòa tháp chung cư cao tầng trên đường Trần Hưng Đạo - Duy Tân (TP Tuy Hòa), nhiều kỹ sư, công nhân đang ngày đêm làm việc để kịp tiến độ, có những bông hồng cần mẫn ở nơi mà tưởng chỉ dành cho đấng nam nhi.

 

Chia sẻ về công việc nơi công trường, hầu hết các chị bùi ngùi: Biết là nặng nhọc, vất vả, có khi nguy hiểm nhưng một ngày công có từ 350.000-400.000 đồng; bây giờ còn chút sức khỏe thì đi làm để dành nuôi con ăn học. Một chị quê ở ngoài tỉnh đang bốc gạch nhưng cũng tranh thủ tâm sự, chị vốn là nông dân ở quê, hai vợ chồng chỉ được 2 sào ruộng, con còn nhỏ, quanh năm tiết kiệm cũng không dư đồng nào, nên gửi con cho ông bà nội vào đây. Ban đầu làm đủ nghề như phụ quán, rửa chén, quét dọn vệ sinh…, làm được thời gian rồi lại bỏ vì thu nhập thấp, không ổn định. Chị đành theo anh chị em ngành Xây dựng vào đây phụ hồ. Chị nói: “Thời gian đầu làm công việc nặng nhọc này, rất mệt mỏi, đau ê ẩm, các khớp xương như muốn rời ra, nhưng không có lựa chọn nào khác, làm riết rồi cũng quen dần, không những thế, lâu ngày lại tìm thấy niềm vui”. Có chị nói mà mắt như rớm lệ vì nhiều năm rồi, chỉ có dịp tết mới được ngồi ăn bữa cơm với con. Dạo này chi phí tàu xe cao, mỗi lần về là mỗi lần tốn kém và nghỉ làm không có ngày công nên nhiều đêm ở công trường không sao chợp mắt, cứ ôm gối lo nghĩ không biết ở nhà con có ngoan không, học hành ra sao… Thương con nhớ nhà, phụ nữ là vậy, nhưng nghĩ đến tương lai của con đành cắn răng chịu đựng!

 

Với khuôn mặt bịt kín để chống nắng, chống bụi, tay thoăn thoắt xúc từng xẻng vữa, một chị tên Lan góp chuyện: “Em làm nghề này được gần chục năm nay. Tuy cực nhọc, vất vả nhưng nói thật là cũng có tiền, chứ ở quê mấy chị buôn bán lúc được lúc không, có khi thâm cả vốn. Con em 2 đứa lớn cả rồi, chi tiêu trong gia đình ngày càng nhiều, có hôm còn xin đội trưởng làm ca ba để kiếm thêm cho con nộp tiền học, chỉ cầu mong có sức khỏe”.

 

 

Các công trình xây dựng luôn có sự góp sức của phụ nữ. Ảnh: MINH CHÂU

2. Mặt trời lên cao, tôi tới công trường tòa nhà chung cư cao tầng phía Đông đại lộ Hùng Vương gần đường Nguyễn Hữu Thọ (TP Tuy Hòa). Cái nắng và gió biển, thỉnh thoảng vài cơn gió đông - nam xoáy lên kéo theo bụi xi măng lẫn đất cát tạt vào rát cả mặt.

 

Nghỉ tay bên thùng nước một lúc, các chị lại tiếp tục mỗi người một công việc của mình. Một em gái nhìn qua ánh mắt, tôi đoán khoảng 20 tuổi, ở ngoại thành Tuy Hòa cho biết: “Làm phụ hồ lại là phụ nữ như tụi em thường ngày bao giờ cũng phải bắt đầu công việc trước thợ xây và nghỉ sau họ ít nhất là 30 phút”. Phía sau các công trường, không thể thiếu người phụ nữ, họ làm đủ loại công việc, kể cả dọn dẹp vệ sinh công trường sau tan ca chiều. Tôi hỏi làm sao em biết tỉ lệ pha trộn để có mác vữa xi măng 50, mác 75; em cười trả lời làm lâu rồi quen, nhờ có thùng đong cát, bao xi măng mà pha trộn theo tỉ lệ, thậm chí còn biết nơi nào trát loại vữa mác nào, không cần thợ chỉ bảo.

 

Các chị em phụ hồ trên công trường, người xa quê, người gần nhà đều thương yêu nhau, gánh vác công việc chung; vì cơm áo gạo tiền, họ chấp nhận làm việc nặng nhọc. Tôi hỏi sao hôm nay trên công trường có ít phụ hồ, một chị lớn tuổi giải thích: “Mấy nhỏ gần nhà xin nghỉ 1-2 ngày đi gặt lúa, vụ này lúa ở Tuy Hòa chín vàng, tình làng, nghĩa xóm giúp nhau gặt lúa, cho dù ngày công gặt lúa chỉ bằng một phần ba công phụ hồ, nhưng không từ chối được, lúc này công việc tại công trường do chị em cáng đáng”.

 

Hạnh phúc hơn những chị em trong nhóm, chị Hạnh sinh năm 1994, có chồng cũng là thợ xây và đã có em bé năm nay hơn 1 tuổi. Chị vừa kể vừa chỉ tay ra đằng xa: “Giờ này năm ngoái, chúng em tổ chức đám cưới tại công trường bên kia rất vui, mỗi lần chuyển đến công trường mới, tụi em lại phải thuê phòng ở và tìm nơi gửi em bé để tiện công việc”. Vất vả là vậy, nhưng nhìn lại những công trình khi xây dựng xong, trong đó có công sức của mình, họ cảm thấy vui và tự hào.

 

Giờ nghỉ trưa cũng đã đến, theo chân những phụ nữ nơi công trường, tôi mới cảm nhận được phần nào cuộc sống của họ. Nói thật, tôi cũng xa quê, sống độc thân làm nghề xây dựng, lang thang nhiều công trường, bây giờ thấy lại cảnh cơm đùm lá chuối, mấy trái cà muối hay vài quả trứng luộc, ít hạt muối tiêu, tôi cảm nhận chị em vẫn vui với công việc của mình. Theo tìm hiểu, hầu hết các lao động làm thuê theo thời vụ, không có bất cứ chế độ phúc lợi nào; làm theo công nhật, mưa cũng như nắng, kể cả thứ bảy, chủ nhật, đi làm thì được trả công, không đi là không có tiền và có thể bị mất việc.

 

Chào họ ra về, tôi vẫn suy nghĩ miên man, trên quê hương Phú Yên, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi…, biết bao nhiêu công trường xây dựng, ở nơi đó luôn có bóng dáng những bông hồng của ngành Xây dựng, không quản gian lao, vẫn vang lên lời ca, tiếng hát: “Xây cho nhà cao, cao mãi/ Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta…”.

 

HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek