Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm thực hiện, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động (NLĐ).
Nhân tháng Hành động ATVSLĐ năm 2022 diễn ra từ ngày 1-31/5, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc điều hành Sở LĐ-TB-XH về công tác ATVSLĐ. Ông Đô cho biết:
- Để đảm bảo ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, thời gian qua, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cùng các cấp, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ. Các cấp, ngành đã nỗ lực hơn trong việc triển khai chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời đa dạng hóa các kênh thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức như đối thoại chính sách pháp luật, hỏi đáp, treo băng rôn, phát tờ rơi…
Biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, hệ thống quản lý ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và NLĐ ngày càng được quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các quy định pháp luật về ATLĐ, VSLĐ được hướng dẫn tương đối đầy đủ tới NLĐ và người sử dụng lao động. Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác ATVSLĐ và đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Người sử dụng lao động và NLĐ đã tích cực hưởng ứng các phong trào quần chúng tham gia công tác ATVSLĐ… Từ đó, người sử dụng lao động chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; công tác phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm dẫn đến TNLĐ, BNN được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động triển khai; tần suất TNLĐ có chiều hướng giảm, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao. NLĐ đã chủ động trang bị kiến thức pháp luật ATVSLĐ, chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Ông Đinh Khắc Đô |
* Ông có thể cho biết kết quả công tác ATVSLĐ đạt được trong năm qua?
- Năm 2021, Sở LĐ-TB-XH đã chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền tháng Hành động ATVSLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. Hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho NLĐ, thi hành Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực, người sử dụng lao động có sự quan tâm sâu sát đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe NLĐ; cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những nơi lao động làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở NLĐ chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cấp, ngành đã tổ chức, thăm hỏi, động viên cá nhân và gia đình người bị TNLĐ.
* Dù có những kết quả tích cực, nhưng những thách thức trong công tác ATVSLĐ vẫn còn. Vậy, để đảm bảo ATVSLĐ, trong tháng Hành động ATVSLĐ năm 2022, tỉnh sẽ có những hoạt động gì thưa ông?
- Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện việc kiểm soát các nguy cơ, rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe NLĐ, hạn chế thấp nhất TNLĐ, BNN.
Trong tháng hành động, theo kế hoạch, Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành hoặc chuyên đề về triển khai, tổ chức thực hiện tháng hành động trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN như sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, xây dựng, điện… Đồng thời kiểm tra việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các sở, ngành, Ban quản lý Khu kinh tế, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng.
Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của tháng hành động; thông tin về các nguyên nhân, sự cố TNLĐ, BNN và chia sẻ rộng rãi các sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện điều kiện lao động; chia sẻ, lan tỏa các sáng kiến của tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ quy định; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm BNN cho NLĐ; tổ chức thăm hỏi thân nhân của người chết do TNLĐ, động viên những người bị TNLĐ, BNN có hoàn cảnh khó khăn; NLĐ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, làng nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm…
* Để tháng hành động diễn ra hiệu quả, kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở LĐ-TB-XH là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, điều kiện, hình thức tổ chức tháng hành động. Đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền về công tác ATVSLĐ nhân tháng hành động; hướng dẫn các ngành, địa phương và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác ATVSLĐ đối với NLĐ cả trong khu vực có quan hệ và không có quan hệ lao động cùng các hoạt động hưởng ứng tháng hành động, hạn chế thấp nhất các TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong tháng Hành động ATVSLĐ. Phối hợp với các đơn vị truyền thông xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ.
Đồng thời tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ, cho doanh nghiệp, trong khu vực làng nghề, phi kết cấu; tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã từ trên cao… Đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro về TNLĐ, BNN…
* Xin cảm ơn ông!
Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện việc kiểm soát các nguy cơ, rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe NLĐ, hạn chế thấp nhất TNLĐ, BNN. |
KIM CHI (thực hiện)