Ở những vùng quê Phú Yên hiện nay vẫn còn một số gia đình giữ lại được những bụi tre già và giếng nước với cây cần vọt. Từ giếng nước, bờ tre đầy ắp tình quê ấy, những người đi xa luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, về tuổi thơ ở xóm nhỏ thân thương của mình.
Hiện nay, tại một số khu du lịch, người ta phục dựng giếng nước, cần vọt và nhiều công cụ lao động, sinh hoạt của làng quê trước đây để thu hút, phục vụ khách tham quan.
Thân thương giếng nước, cần vọt
Mười ngày như chục, cứ sau mỗi bữa ăn, bà Nguyễn Thị Hiền (khu phố 3, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa), bưng mâm chén đặt trên thềm giếng rồi thả cần vọt kéo nước xối ra thau để rửa. Theo bà Hiền, rửa nồi, chà xoong, bà đều ra thềm giếng vì quen rồi. Giếng nước, cần vọt từ bàn tay cha chồng bà làm ra. Bà về đây làm dâu hơn 20 năm và cũng chừng ấy thời gian dùng cần vọt kéo nước. Thời gian đầu chưa quen, trưa không ngủ, bà Hiền tranh thủ ra thềm giếng ngồi dưới bóng tre giặt quần áo. Cái thuở còn nghèo khó chứ không như bây giờ.
“Hồi đó không chỉ gia đình tôi mà cả dãy 7, 8 nhà liền kề đều có giếng nước, cần vọt. Đến nay, nhiều gia đình không dùng nữa nhưng hình ảnh chiếc gàu, thềm giếng có mặt trọn vẹn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của những người dân miền quê”, bà Hiền nói.
Bà Huỳnh Thị Thanh Út, hàng xóm của bà Hiền tâm sự: Hồi trước, nhà tôi dùng giếng cần vọt, sau đó ba tôi sử dụng nước máy nên đổ tấm bê tông đậy nắp giếng lại. Giờ đây mỗi lần nghe tiếng xối nước vào ban tối, buổi trưa từ nhà bên cạnh, âm thanh đó làm tôi xao xuyến nhớ lại thuở nào. Mỗi lần rửa chén, kéo cần vọt lên xối nước vô thau cho đầy rồi kéo gàu nữa để trên thành giếng. Rửa nước đầu tiên rồi rửa nước thứ hai, thứ ba. Dùng cần vọt lấy nước rửa chén, xoong nồi, xối đã tay.
Cũng theo bà Út, có thời gian bà sinh sống ở quê chồng. Chồng mất, bà mới về lại quê cũ. Thời gian ở quê chồng, hình ảnh giếng nước, cần vọt quen thuộc, thân thương ấy luôn được bà cất giữ trong tim.
“Tôi lớn lên, xa xóm quê theo chồng dạy học ở miền núi, nhưng trong lòng vẫn hoài nhớ cảnh nhà có giếng nước, cần vọt, phía trước có cánh đồng. Tiếng kéo cần vọt đã trở thành ký ức của tôi. Đó là nỗi nhớ niềm thương nơi quê mẹ. Tôi nhớ cả trái đu đủ hườm cạnh giếng râm mát dưới bóng tre; vạt rau răm, rau thơm, rau ngổ… cạnh thềm giếng. Nó gợi cho tôi nhớ về cái xóm nhỏ thân thương và tuổi thơ của mình. Qua hỏi thăm bạn bè lấy chồng xa quê, cũng đi ra từ làng quê, chúng tôi càng thấy yêu tha thiết quê hương qua giếng nước, bờ tre”, bà Út trải lòng.
Gìn giữ ký ức làng quê
Từ ngoài ruộng về, ông Lưu Sĩ (thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) đi thẳng ra giếng thả cần vọt kéo gàu nước lên úp mặt vào uống một hơi rồi vén ống quần xối nước rửa chân. Theo ông Sĩ, giếng nước, cần vọt của gia đình ông đã có trên 50 năm. Trước đó, ông dùng gàu dây để kéo nước và cứ vào mùa nắng là giếng khô cạn. Sau đó, ông đào thêm và thả bọng tiểu. Giếng sâu, ông chặt tre làm cần vọt kéo nước. Dùng gàu dây xách nửa thùng phuy nước là mỏi tay, còn kéo cần vọt đầy phuy là chuyện bình thường, vì có cây tre đực làm tay nắm, kéo xuống không nặng còn kéo lên có phần trợ lực nên nhẹ nhàng.
Ông Sĩ cho hay, ở vùng nông thôn, hầu như nhà nào cũng trồng tre làm hàng rào, ngăn cách lối đi. Cây tre công dụng đủ chuyện. Ngoài làm cần vọt, cây tre có nạng dùng để chống đỡ cho cây chuối trĩu buồng. Gần nhà ông có cái bàu trồng rau muống. Mỗi mùa thu hoạch lúa, cánh đồng trống, người ta thả rông bò ăn qua ăn lại. Vậy nên, ông chặt tre rào bàu rau muống để ngăn bò, rồi vá lại cái bờ ngăn… Trời nắng mồ hôi ra như tắm. Trưa về, ông đi thẳng ra giếng, kéo cần vọt nước lên rồi ực một hơi mát lành.
Năm nay, sức khỏe yếu. Vừa rồi, ông đi thăm bàu rau muống thấy bầy vịt siêu thịt ăn to, rúc cụt đọt cả vạt rau. Ông về hối con trai chặt tre rào lại. “Bụi tre đứng trước ngõ bao năm qua, tôi ra vào biết mặt từng cây. Tre vừa đủ lá là tre một năm, dùng để chẻ lạt buộc, cột. Còn thân tre từ màu xanh ngả sang vàng là tre 3 năm, dùng làm đòn tay ngang. Tre lên nước màu đỏ là tre già, chặt sát gốc làm trụ. Ở miền quê, giếng nước - bờ tre là đôi bạn thân thiết”, ông Sĩ chia sẻ.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, chia sẻ: “Họ tộc trong gia đình tôi ở thôn Lạc Nghiệp (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) may mắn còn giữ giếng nước, cần vọt. Hôm rồi tôi về thăm quê, nhớ ngày xưa làm ruộng, hoặc làm soi về, mình ra ngay giếng kéo cần vọt xách nước. Ôi, nước sóng sánh đầy gàu, nước giếng được che bởi hàng tre mát sao mà mát dữ vậy không biết! Để gàu nước trên thành giếng, đưa miệng vào gàu rồi uống, cảm nhận nước chạy từng luồng mát rượi rân rân trong người”.
Cũng theo nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, hồi trước nhiều nhà ở miền quê có giếng nước, cần vọt. Có nhà kéo cần vọt xách nước bằng gàu nhôm, gàu tre. Về sau cuộc sống khá lên, người nhà quê cũng bước vào dòng chảy hội nhập, xài nước máy, đóng xả bằng van. Nhưng nếu khéo để ý, vẫn thấy hình ảnh giếng nước, cần vọt, bờ tre, người ta phục dựng theo lối làng quê trong những khu du lịch để khách tham quan nhớ về nguồn cội, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, về tuổi thơ ở xóm nhỏ thân thương…
MẠNH LÊ TRÂM