Nước chiếm 70-75% trọng lượng cơ thể. Nếu cơ thể thiếu nước sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất dẫn đến khát nước, rối loạn nhiệt độ cơ thể, rối loạn tinh thần. Mỗi người cần ít nhất 1,5 lít nước uống mỗi ngày, ngoài ra còn cần nước để tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa, bảo quản và chế biến thực phẩm, cứu hỏa và sản xuất.
Sử dụng nước sạch sẽ phòng được các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh viêm gan A, các bệnh ngoài da, bệnh về mắt và bệnh phụ khoa.
Nước được coi là sạch phải trong, không có màu, không có mùi vị lạ gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh và chất độc hại.
Các nguồn nước sạch:
- Hệ thống cung cấp nước tập trung (nước máy): nước lấy từ giếng khoan hay sông hồ được đưa qua hệ thống xử lý dàn mưa, bể lắng, bể lọc… rồi vào bể chứa lớn và từ đó có đường dẫn về các hộ gia đình.
- Nước mưa
- Nước giếng khơi
- Nước giếng khoan
- Nước máng lần.
Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch. Nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp.
Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận, vì vậy mọi người phải có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.
(SK&ĐS)