Khi còn là người lính, ông cùng đồng đội diệt giặc ngoại xâm. Hòa bình, vượt bao khó khăn, người cựu chiến binh ấy lại diệt “giặc đói”.
Cựu chiến binh Huỳnh Kha đang chăm sóc ba ba nuôi trong vườn nhà - Ảnh: L.KHA |
KIÊN TRUNG VỚI CÁCH MẠNG
Ông Huỳnh Kha (thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu) là một cựu chiến binh không cam chịu cảnh nghèo khó, là nông dân nuôi tôm sú xuất sắc từ thập niên 1990. Mới đây, tại Đại hội những người làm vườn tỉnh Phú Yên, ông lại được biểu dương vì đã tận dụng cả những khoảng trống nhỏ nhất còn sót lại trong khu vườn để làm kinh tế đạt hiệu quả cao.
Trong ngôi nhà tầng khang trang nằm cạnh QL1A, ông Huỳnh Kha hồi tưởng lại những chuyện xa xưa. Cha mẹ mất sớm, năm 20 tuổi ông tham gia cách mạng. Tháng 1/1967, tại xã Xuân Cảnh, ông đã bị sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) vây bắt khi đang là bộ đội địa phương hoạt động trên địa bàn huyện (vùng tự do). Ông bị đưa ra Phước Thành (Tuy Phước - Bình Định), sau 20 ngày thì bị đưa vào khu chiến Chóp Chài chịu cảnh tù đày tại đây một năm, rồi bị giải ra Phú Tài (Bình Định) nhốt, 2 tháng sau thì bị đưa đi Phú Quốc. Ông kể, tại nhà tù này, các kiểu tra tấn như nhốt chuồng cọp, kẹp điện… bọn địch đều dùng cả, nhưng phổ biến nhất là chúng bắt tù nhân phải nằm trên cát, trên bê tông, đường nhựa dang tay chân trần để phơi nắng suốt ngày. 7 năm trời ở nhà lao Phú Quốc, ông luôn giữ vững lập trường của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1973, ông là một trong những chiến sĩ cách mạng được trao đổi tù binh với địch tại Bình Long - Phước Long. Nghỉ an dưỡng một năm, năm 1974, ông về lại Phú Yên và tham gia vào tiểu đoàn 13 cho đến ngày đất nước thống nhất.
KHÔNG
Trở về cuộc sống đời thường, ông Huỳnh Kha - bệnh binh 3/4 - thành gia thất với bà Diệp Thị Ngành, cũng là một chiến sĩ cách mạng, thoát ly từ năm 1967. Hai bàn tay trắng, ông cùng vợ đi nhiều nơi rồi về lại Xuân Cảnh, dựa vào đầm Cù Mông, vào biển để kiếm cái ăn qua ngày. Ông kể: “Tôi lập rớ trên đầm, đi biển suốt đêm. Bác Hồ đã từng dạy rằng, diệt giặc đói, giặc dốt cũng cần thiết như diệt giặc ngoại xâm vậy. Bây giờ càng nghĩ, càng thấy chí lý”.
Vào thập niên 1990, phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh. Vợ chồng ông cũng tìm tòi học hỏi hết người này đến người khác rồi lập nên 2 hồ nuôi rộng tới 4.000m2. Sau vài vụ thất bát, đến những năm 1997 - 1999, ông trúng đậm tôm sú. Với tiền lãi có được, ông đã xây nhà tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ, có thêm của để dành…
Vợ chồng ông sinh được 3 người con. Anh con trai đầu vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đành bỏ dở đường chữ nghĩa. Anh con trai thứ học đại học cơ khí tàu biển, sau đó mất do tai nạn giao thông. Cô con gái út mới đây tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang. Vợ chồng ông tự nhận rằng nhiệm vụ “diệt giặc dốt” chỉ hoàn thành được phân nửa.
Anh Phong, người hướng dẫn dân Xuân Cảnh, Xuân Hòa… nuôi ba ba kể: Bác Mười Kha (tên thân mật mà bà con ở đây gọi ông Huỳnh Kha) vừa bán 220 con ba ba thu được 22 triệu, tính ra lãi được 10 triệu. Bác vừa thả lại 300 con. Tôi hỏi sao không nuôi nhiều hơn thì được biết rằng đó là tất cả diện tích còn lại có thể làm kinh tế trong vườn nhà của ông. 4.000m2 hồ sau nhà không còn nuôi tôm sú đã được thả cá mú. Mỗi năm, tiền lãi từ cá mú khoảng 40 - 50 triệu đồng. Ngay cạnh gốc dừa xiêm lửa, ông Huỳnh Kha đã kịp ươm một mớ dừa giống, thực hiện chủ trương trồng dừa hàng hóa của huyện.
Với bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, vợ chồng ông Kha đã đẩy lùi cái nghèo, góp phần vào công cuộc đổi mới quê hương.
LY KHA