Thứ Năm, 19/09/2024 22:54 CH
Đẩy mạnh tuyên truyền dân số trong tình hình mới
Thứ Bảy, 12/03/2022 10:35 SA

Thời gian qua, ngành Dân số Phú Yên triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh truyền thông trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Qua đó góp phần không nhỏ trong việc ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

 

Chị Siêu Thị Mẹo (giữa) tuyên truyền vận động phụ nữ trong thôn thực hiện KHHGĐ. Ảnh: CTV

 

Những chuyển biến tích cực

 

Từ trước đến nay, vợ chồng chị Hờ Lệ ở thôn Tân Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) luôn tự hào về hai cô con gái nhỏ chăm ngoan của mình. Chị Hờ Lệ nói: “Ngay khi sinh các con, vợ chồng tôi xác định dừng lại hai con để nuôi dạy cho tốt, lo cho con cái học hành để sau này không khổ mình, khổ con. Hai vợ chồng tôi rất vui khi các con khỏe mạnh, ngoan hiền. Chúng tôi không quan trọng chuyện con trai, con gái”.

 

Thôn Tân Thuận có 57 hộ với 195 nhân khẩu, đa số người dân đều là đồng bào dân tộc Chăm. Cũng như vợ chồng chị Hờ Lệ, hiện nay nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Tân Thuận đã có suy nghĩ tiến bộ về việc dừng lại hai con để nuôi dạy cho tốt và không đặt nặng chuyện con trai, con gái. Họ quan niệm, điều quan trọng chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích, gia đình thuận hòa, hạnh phúc, đời sống kinh tế phát triển. “5 năm nay, thôn Tân Thuận không có gia đình nào sinh con thứ ba”, chị Siêu Thị Mẹo, cộng tác viên dân số nở nụ cười tươi rói chia sẻ với chúng tôi.

 

Nếu như trước đây nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế thì những năm qua nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ thôn, nhất là cán bộ dân số, bà con Tân Thuận hiểu rõ những hệ lụy của việc sinh đông con. Vì vậy, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nơi đây sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều, phụ nữ thôn được tư vấn cách làm mẹ an toàn, nuôi dạy con cái theo phương pháp khoa học... Chị Mẹo cho hay, ngoài việc tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chị Mẹo còn thành lập CLB Không sinh con thứ 3 - Không đói nghèo để thu hút phụ nữ trong thôn tham gia. Bên cạnh tuyên truyền vận động, chị Mẹo còn tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi của Nhà nước để trồng trọt, chăn nuôi, nhờ vậy đời sống người dân Tân Thuận ngày càng ổn định.

 

Chị Ka Sô Thị Liễu, một thành viên CLB Không sinh con thứ ba - Không đói nghèo thôn Tân Thuận nói: “Không những được nâng cao nhận thức về việc thực hiện KHHGĐ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tôi cũng như nhiều chị em còn được vay vốn làm ăn nên cuộc sống ngày càng tốt hơn”.

 

Theo chị Siêu Thị Mẹo, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, được hỗ trợ tiền làm ăn đã góp phần khích lệ, động viên các phụ nữ nghèo Tân Thuận, giúp cho việc triển khai các chính sách về dân số nơi đây đạt hiệu quả hơn.

 

Không riêng thôn Tân Thuận, những năm qua, nhiều nơi khác ở Phú Yên cũng có chuyển biến tích cực trong công tác dân số. Kết quả này có được là nhờ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan theo các hình thức trực tiếp và gián tiếp về các nội dung của công tác dân số như: tham gia sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bạo lực gia đình; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Ngoài ra, hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ còn tổ chức kiểm tra chuyên đề tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Qua đó, nhận thức về chính sách dân số ở Phú Yên có những chuyển biến rõ nét, quy mô gia đình có 2 con được đồng thuận; các mô hình, đề án về can thiệp cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện hiệu quả...

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

 

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác dân số của Phú Yên vẫn còn nhiều thách thức: quy mô dân số chưa thực sự ổn định, chất lượng dân số chưa cao, tỉ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 109,8 bé trai/100 bé gái. Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra nhiều ở các địa phương, nhất là vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế...

 

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 6/2021 đến nay, công tác truyền thông dân số ở địa phương gặp không ít khó khăn: Công chức, viên chức, người lao động làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở được điều động tăng cường tham gia phòng chống dịch, ngành Dân số tạm thời ngừng một số hoạt động chuyên môn, ưu tiên dồn mọi nguồn lực để tham gia chống dịch. “Mặc dù vậy, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động truyền thông dân số, chuyển các hình thức truyền thông cộng đồng, tập trung đông người sang các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội facebook, zalo… Các hoạt động này góp phần đảm bảo sự thường xuyên, liên tục trong công tác truyền thông dân số năm qua. Đến cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, các địa phương đã tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng, truyền thông phối hợp, truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ”, ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho hay.

 

Với mục tiêu chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đặt ra các chỉ tiêu cơ bản là mức giảm tỉ lệ sinh 0,2‰; mức giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,2%; tỉ số giới tính khi sinh ở mức dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống.

 

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu này, ông Lê Văn Bi cho biết, trong năm 2022 ngành Dân số Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, tập trung vận động, giáo dục, truyền thông về dân số tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề về duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.

 

Theo ông Lê Văn Bi, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông về dân số phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng; hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố xác định các nội dung ưu tiên để tập trung nguồn lực. Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động; duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả, xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới; đồng thời tổ chức có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

 

NGỌC QUỲNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek