Trong những năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ở Phú Yên không ngừng phát triển, đặc biệt là có sự quan tâm nhiều đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc làm đó thể hiện sâu sắc trách nhiệm, tình cảm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân đối với người có công, làm cho công tác chăm sóc người có công ngày càng đi vào chiều sâu, qua đó nâng cao đời sống của họ.
Chăm sóc sức khỏe cho thương binh. - Ảnh: D.T.XUÂN |
Phú Yên là một tỉnh chịu hậu quả nặng nề trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 60.000 người được nhà nước công nhận và thực hiện chế độ chính sách, trong đó có hơn 13.000 gia đình liệt sĩ, 913 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 87 mẹ), hơn 5.000 thương bệnh binh và nhiều đối tượng đang hưởng trợ cấp như cán bộ tiền khởi nghĩa, người có công với cách mạng, người bị địch bắt, tù đày… Từ năm 1995 đến nay, ngoài việc đẩy mạnh công tác xác nhận và đề nghị nhà nước công nhận các đối tượng hưởng chính sách, xây dựng xã phường làm tốt công tác thương binh, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, hội đoàn thể phối hợp thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được các cấp ủy đảng quan tâm sâu sắc, ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, động viên tinh thần. Đời sống của họ ngày càng được nâng cao.
Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người kháng chiến bị địch bắt tù đày và người có công với cách mạng, trong những năm qua, ngành Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) tỉnh phối hợp với các ban ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang cùng các địa phương tổ chức xét duyệt hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xác nhận và giải quyết chế độ cho gần 60.000 người có công thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi. Đồng thời, các cấp, các ngành và các đoàn thể tổ chức nhiều cuộc vận động như xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, đón thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình, nhận chăm sóc bố mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi không nơi nương tựa… Để ngày càng nâng cao đời sống cho các hộ chính sách, các ngành, hội đoàn thể, nhân dân, các cơ quan doanh nghiệp tăng cường giúp đỡ vật chất, ưu tiên giải quyết vốn vay từ các nguồn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, giúp gia đình TBLS phát triển kinh tế. Các địa phương đã thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước về cấp đất ở, xóa đói giảm nghèo, ưu tiên giao đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn những kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ cây con giống…, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có công sản xuất, chuyển đổi vật nuôi cây trồng để tăng thu nhập, vượt qua đói nghèo, phấn đấu vươn lên khá giả, góp phần giảm hộ nghèo chính sách từ 5% năm 1995 xuống còn 0,22% (khoảng 447 hộ chính sách nghèo). 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác TBLS, người có công với tiêu chí cơ bản là không còn hộ nghèo chính sách; hộ gia đình chính sách ổn định về nhà ở. Đời sống được nâng cao, người có công có điều kiện tham gia công tác xã hội.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 384 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 147 nhà cho gia đình chính sách. Tỉnh cũng trích ngân sách xây dựng nhà cho nhiều người hưởng chính sách có công thuộc diện nghèo theo đề án xóa nhà tạm.
Ngoài phần đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, nhiều đơn vị, cơ quan đã xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách. Không chỉ ổn định nơi ở, bệnh binh nặng còn được các y bác sĩ ở trạm y tế xã phường chăm sóc, điều trị kịp thời khi ốm đau.
Nhiều gia đình thương binh trước đây đời sống rất khó khăn, nay đã có cuộc sống khá, con cái học hành đến nơi đến chốn. Các địa phương đều có gương điển hình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Kết quả khảo sát tình hình đời sống của các gia đình chính sách ở nhiều địa bàn khác nhau cho thấy không có gia đình chính sách thuộc diện hộ đói; ở khu vực đồng bằng, thành phố có từ 20- 25% gia đình chính sách có mức sống khá và giàu, còn lại hầu hết gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư trên địa bàn cư trú.
Với phương châm xã hội hóa phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cùng với các chính sách, chế độ của Nhà nước không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, ngành LĐTBXH tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, thực hiện tốt hơn các chính sách TBLS, ưu đãi người có công cách mạng, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng chính sách nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh phân cấp quản lý cho các địa phương, ngành LĐTBXH sẽ tiếp tục tham mưu tích cực với cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp tốt với các ngành, hội đoàn thể thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công cách mạng. Trước mắt, ngành tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp, xác nhận một số hồ sơ tồn đọng và đề xuất các cấp giải quyết cho một số đối tượng chưa được hưởng chế độ.
NGUYỄN VĂN LÃNG
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên