Nhiều năm qua cán bộ chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều việc làm thiết thực như quyên góp xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ, chăm sóc, phụng dưỡng gia đình các thương binh liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Những việc làm trên đã góp phần lấp dần khoảng trống và nỗi đau trong lòng những người mẹ, người vợ, những người đã cống hiến máu xương mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Bộ đội biên phòng Phú Yên thăm, tặng quà đối tượng chính sách. - Ảnh: P.OANH |
Ngôi nhà của bà Trần Thị Làm nằm sâu trong một ngõ hẻm ở cuối thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), đang được thi công giai đoạn cuối để kịp khánh thành trước ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh, phụ trách công tác thương binh - xã hội xã An Ninh Đông phấn khởi cho biết: “Tháng trước, khi nghe chúng tôi thông báo Bộ đội Biên phòng quyên góp tiền hỗ trợ xây nhà, bà Làm cứ ngẩn người, nửa tin nửa ngờ. Vậy mà bây giờ, việc còn lại duy nhất là lát gạch nền. Một ngày nữa xem như hoàn tất nhà mới”.
Trên khuôn mặt hằn vết chân chim của người phụ nữ đã bước qua tuổi 70 bừng sáng niềm hạnh phúc. Chiến tranh đã gây ra quá nhiều mất mát, thiệt thòi cho bà Làm. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cùng với gia đình, tuổi thơ của bà Làm đã gắn liền với công việc giao liên và làm cơ sở bí mật cho cán bộ kháng chiến. Năm 1967, cha và em gái vừa tròn 14 tuổi của bà đã lần lượt ngã xuống khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Là chị cả, bà Làm phải thay cha mẹ cáng đáng việc nhà, nuôi dưỡng chăm sóc các em và nối gót cha làm cơ sở cách mạng. Bị địch bắt giam, ra tù bà đã thoát ly lên vùng giải phóng làm văn công. Hòa bình lập lại, trở về với mảnh đất cằn khô và ngôi nhà bị bom đạn tàn phá, bà đã ra sức làm lụng, tích góp, dựng vợ gả chồng cho các em. Tuổi thanh xuân trôi đi lúc nào không biết, bà cùng người em gái Trần Thị Thống trên 50 tuổi đã không có được mái ấm gia đình và một ngôi nhà để tránh nắng trú mưa.
Tiếp chuyện chúng tôi trước căn nhà mới xây khá khang trang cho bà và người em gái, bà Làm nghẹn ngào bày tỏ: “Khoản tiền cất nhà này cả đời chị em tôi không làm ra nổi. Không chồng, không con, tuổi già được ở trong căn nhà xây như thế này xem như tôi mãn nguyện rồi. Ơn này lớn quá, tôi không biết làm gì để bày tỏ lòng tấm lòng mình đối với bộ đội biên phòng, chỉ xin gửi các anh lời cám ơn chân tình”.
Còn nhớ một năm trước, cũng trong dịp này Bộ Chỉ huy BĐBP tổ chức khánh thành bàn giao căn nhà tình nghĩa cho ông Võ Văn Phụng ở thôn Mỹ Phụng, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu. Người đàn ông gần 70 tuổi, một thời kiên trung trước những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù, vậy mà khi nhận gói quà mừng cùng với quyết định giao nhà mới từ tay người Chính ủy BĐBP Phú Yên, ông xúc động rơm rớm nước mắt. Ông Phụng thổ lộ: “Trong kháng chiến bị địch giam cầm tra tấn nên bây giờ sức khỏe tôi suy kiệt. Sau chiến tranh, khi vợ mất, tôi đã nguyện với bà sẽ xây nhà để con cái ở cho đàng hoàng. Vậy mà căn nhà tranh cứ mỗi ngày thêm rách nát, còn cuộc sống thì thiếu trước hụt sau. Nhờ có bộ đội biên phòng hỗ trợ tiền xây nhà, gia đình tôi từ nay đã có được một mái ấm khang trang”.
Ngắm niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt bà con nhân dân trong những buổi lễ khởi công hay trao nhà tình nghĩa, chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa và giá trị lớn lao từ những căn nhà của sự sẻ chia, của nghĩa cử đền ơn mà thế hệ hôm nay dành cho những người đã nằm xuống. Với hàng trăm triệu đồng quyên góp từ tiền lương, ba năm qua, cán bộ chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã xây dựng được 5 ngôi nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách. Con số ấy tuy không nhiều nhưng đã góp phần cùng toàn xã hội động viên thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Đó cũng là nguồn lực để giúp họ vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.
Cũng trên hành trình về thăm nhà của các mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình thương binh liệt sĩ, chúng tôi còn được nghe, được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng của người lính biên phòng đối với những người đã nằm xuống. Mẹ Nguyễn Thị Thoải 83 tuổi, sống 1 mình ở xã An Ninh Đông, là vợ liệt sĩ và cũng là cán bộ từng bị tù đày trong kháng chiến, rơm rớm nước mắt kể rằng: Tháng nào cán bộ chiến sĩ của đồn BP 348 cũng lên với mẹ, khi trò chuyện, lúc lo cơm nước, chăm sóc nhà cửa vườn tược. Mỗi lúc mẹ đau ốm, cán bộ chiến sĩ của đồn luôn túc trực ở bên cạnh, nên mẹ thấy ấm áp hơn và tuổi già đỡ hiu quạnh.
Thượng úy Nguyễn Thanh Phương, trợ lý thanh niên BĐBP tỉnh cho biết: Dịp này, đoàn viên thanh niên BĐBP đang triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại các địa bàn đóng quân. Riêng tuổi trẻ khối cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP Phú Yên cũng đã sẵn sàng cho chuyến về thăm 3 mẹ Việt
PHƯƠNG OANH