Thứ Bảy, 21/09/2024 13:30 CH
Để chấm dứt tình trạng tảo hôn
Thứ Sáu, 18/02/2022 13:00 CH

Hãy tạo cơ hội cho trẻ em gái phát triển bình đẳng, tránh tình trạng tảo hôn. Ảnh: KIM CHI

Trước vấn nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra dai dẳng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhân ngày lễ Tình nhân 14/2/2022, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) kêu gọi thế giới chấm dứt nạn kết hôn trẻ em (hay còn gọi là tảo hôn) và nhấn mạnh: Trao quyền cho trẻ em gái là yếu tố quan trọng để chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em.

 

Theo UNFPA, để chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, cần có nhiều thay đổi, bao gồm tăng cường và thực thi pháp luật chống lại vấn nạn này; thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo cam kết của cộng đồng đối với quyền của trẻ em gái.

 

Tích cực tuyên truyền

 

Theo UNFPA, mỗi ngày có hàng ngàn trẻ em gái trở thành cô dâu. Hơn 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước sinh nhật lần thứ 18. Kết hôn trẻ em được định nghĩa là hôn nhân hoặc sống chung như vợ chồng, trong đó một hoặc cả hai người đều dưới 18 tuổi. Trên thế giới, 19% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 đã kết hôn/hoặc sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi. Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, có đến 13 triệu trẻ em gái đã buộc phải trở thành cô dâu.

 

Tại Việt Nam, kết quả cuộc điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, UNFPA và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 7,4% phụ nữ và 1,4% nam giới tuổi vị thành niên hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng. Trong số phụ nữ và nam giới từ 20-24 tuổi được điều tra, có 14,6% nữ giới tảo hôn trước 18 tuổi so với 1,9% nam giới tảo hôn trước 18 tuổi.

 

Tại Phú Yên, theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có hơn 220.000 người, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh; trong đó DTTS hơn 60.000 người, chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái... Thời gian qua, thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025, tình trạng này vẫn còn nhưng số lượng giảm đáng kể. Nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS được nâng lên; một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần hủy bỏ.

 

Chị Hờ Ngô, cán bộ dân số xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) nói: Lúc trước, tình trạng tảo hôn ở địa bàn xã khá cao, cứ 100 cặp kết hôn thì có khoảng 30 cặp chưa đủ tuổi. Trước tình trạng này, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân không cho con em kết hôn sớm để tránh những hệ lụy không đáng có. “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ vậy mà hiện nay, tình trạng này không còn nhiều.

 

Nâng cao nhận thức cho người dân

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người và thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó. Để giải quyết tình trạng này, những người trẻ tuổi cũng phải được trao quyền để hiểu biết và đòi lại quyền của mình. Họ phải được cung cấp thông tin chính xác về sức khỏe tình dục và sinh sản, cơ hội giáo dục và phát triển kỹ năng, cũng như các nền tảng để tham gia hoạt động cộng đồng và xã hội.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, để hạn chế tình trạng tảo hôn, những năm qua, các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, tập trung vào những đối tượng vị thành niên, học sinh... Đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ hủ tục về hôn nhân gia đình. Thông qua các buổi họp thôn, buôn, lực lượng công an xã cùng cán bộ DS-KHHGĐ và cán bộ tư pháp xã đã đến từng thôn, buôn để tuyên truyền, phân tích những hậu quả, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để mọi người hiểu, sáng suốt lựa chọn người bạn đời mang lại hạnh phúc cho mình.

 

Để tiếp tục thực hiện tốt đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025, Hội LHPN tỉnh đã triển khai mô hình CLB Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ và người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó thay đổi những hủ tục, góp phần giảm thiểu tình trạng này.

 

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Thông qua mô hình CLB này, chúng tôi tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình; đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025; các luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình; tác hại và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Với kiến thức được trang bị qua sinh hoạt CLB này, những người trẻ dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ em gái, có thể tự vận động cho bản thân và thậm chí thuyết phục gia đình hủy bỏ hoặc trì hoãn việc đính hôn.

 

“Thời gian tới, tỉnh sẽ đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số; sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các CLB tuyên truyền pháp luật... Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong vùng DTTS cùng tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào, trẻ em xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết thêm.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek