Khi những cánh én chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm, trong mơn man hơi thở của đất trời giao thoa đã thấy mùa xuân len nhẹ trên từng mái nhà, góc phố. Ấy cũng là lúc lòng người giăng mắc hoài niệm về miền ký ức ngọt ngào mang bao hơi ấm tình thân vào mỗi dịp xuân về tết đến.
Gói bánh chưng ngày tết - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt - Ảnh: MINH NGUYỆT |
VỊ QUÊ THƯƠNG NHỚ
Một vài năm trở lại đây, những ngày giáp tết ở Phú Yên tiết trời thường se lạnh. Giữa những ngày nắng vàng mỏng manh cuối Chạp, bất chợt xuất hiện những cơn mưa phùn giăng mắc lối đi khiến anh Lưu Phú Thành ở phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa xốn xang nhớ tết quê nhà. Anh nhớ cái lạnh se sắt của mưa xuân như thấm vào da thịt, chân tơ kẽ tóc vào mỗi dịp tết ở Nghệ An. Sinh cơ lập nghiệp tại Phú Yên đã bao năm, thân thuộc nơi này từng con đường, góc phố, ở đây anh Thành có vợ con, anh em, bạn bè thân thuộc vậy mà không sao khỏa lấp nỗi nhớ quê nhà. Anh nhớ không khí rộn ràng những ngày giáp tết ở quê. Nhớ cảnh mấy nhà trong xóm í ới rủ nhau đụng lợn tết, mà người miền trong này gọi là chung chia thịt heo ăn tết. Sau khi chia xong phần thịt cho mọi người, lòng heo thường được chế biến thành các món ngon cùng với nồi cháo lớn để cả xóm tụ họp tại một góc sân nào đó liên hoan vui vẻ. Các bậc cha, chú còn có thêm vài ly rượu trắng nhâm nhi khề khà bên đĩa lòng nóng sốt râm ran chuyện trò ấm tình làng nghĩa xóm.
Bao năm xa quê, thưởng thức ẩm thực nhiều vùng miền nhưng anh Thành không thể quên chiếc bánh chưng dẻo ngon, thơm bùi đậm vị mồ hôi tần tảo khuya sớm của mẹ. Nhớ đĩa thịt đông mềm, mát lạnh béo ngậy cùng nấm hương, mộc nhĩ giòn giòn hòa với vị cay nồng của hạt tiêu vấn vít nơi đầu lưỡi, nhớ nồi cá thửng kho tiêu, hành tăm thơm lừng... đượm vị tết quê gợi trong anh bao ký ức tuổi thơ thân thương, trở thành niềm luyến nhớ mỗi khi nghĩ về quê nhà.
Hai năm nay dịch giã phức tạp, cộng với công việc bộn bề chưa thể sum họp với mẹ già, lòng anh da diết nhớ quê... Nỗi nhớ càng chật lòng khi những chiều, những tối tháng Chạp, anh nhìn từng đoàn tàu rúc từng hồi giục giã chở bao người đi về phía sum họp, đoàn viên.
MƠ ƯỚC SUM VẦY
Tết! Ai cũng mong ước sum vầy bên gia đình, nhưng đại dịch COVID-19 khiến cho bao người đành lỡ hẹn cuộc đoàn viên. Nỗi niềm ấy lại càng khắc khoải với người Việt xa xứ. Hơn hai năm trở lại đây, chị Nguyễn Hoài Phương cùng người thân ở Seine-et-Marne thuộc vùng Île-de-France nước Pháp nhiều lần dự định về Việt Nam nhưng không thành do dịch bệnh bùng phát. Dù là Tết cổ truyền của người Việt, nhưng là ngày thường ở Pháp nên mọi người vẫn đi làm, học tập bình thường. Mọi năm vào dịp nghỉ cuối tuần gần ngày tết Việt, chị Phương cùng bạn bè tổ chức gặp nhau nấu những món ăn truyền thống, ôn lại kỷ niệm ngày tết quê nhà, nhưng năm nay dịch bệnh phức tạp khiến mọi người không thể gặp nhau. Chị Phương nói, việc mua sắm các vật phẩm ngày tết ở nơi chị định cư khá thuận lợi vì nhiều người nhập hàng hóa Việt Nam sang Pháp bán cho cộng đồng người Việt. Ở đây, chị vẫn có thể nấu một vài món ăn truyền thống trong ngày tết nhưng chẳng thể nào mua được hương tết, hồn tết quê hương.
Trong những ngày cận tết, đi giữa Paris trùng trùng gió lạnh và tuyết phủ, chị Phương thèm làm sao hương sắc của mai vàng, vạn thọ, nhớ làm sao nắng ấm nơi quê nhà. Nhớ những con đường rộn sắc hoa xuân, nhớ không khí tấp nập của các chợ, trung tâm nhộn nhịp người mua sắm tết. Nhớ cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên trong chiều ba mươi, nhớ thời khắc giao thừa thiêng liêng nơi quê nhà… “Mong sao cuộc sống trở lại bình thường như trước, chúng tôi được sớm trở về Việt Nam gặp lại cha mẹ, người thân”, chị Phương chia sẻ.
GIỮ HỒN TẾT VIỆT
Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, năm nào gia đình chị Phan Thị Mỹ Lê ở thôn Ngọc Lâm 1, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa cũng tổ chức gói bánh chưng dâng lên bàn thờ tổ tiên vào dịp tết. Từ bao đời nay, bánh chưng không đơn thuần là một món ăn mà còn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, nguồn cội, với đất trời và ước nguyện một năm mới sung túc, an vui.
Với người Việt, tết là dịp mọi người sum vầy bên gia đình người thân, nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội... |
Ðể làm nên những chiếc bánh chưng dẻo thơm, từ những ngày trước đó, chị Lê đã tất bật đi rọc lá chuối, đi chợ mua gạo nếp bắc hạt tròn mẩy, đậu xanh tiêu hạt nhỏ, ruột vàng, thịt heo ba chỉ tươi ngon… Thông qua việc gói bánh chưng, chị muốn các con mình cảm nhận không khí gia đình sum vầy, hiểu về nét đẹp truyền thống của tết Việt cần phải lưu giữ. Ðây cũng là lúc những ký ức tuổi thơ ùa về trong chị. Nhớ hồi nhỏ, mỗi dịp tết về, chị thường tíu tít theo mẹ phụ tước dây, lau lá chuối, vo gạo nếp, rồi háo hức ngồi xem mẹ xắt thịt heo, hành củ, hầm đậu xanh làm nhân, gói bánh. Nhớ những đêm cuối năm se lạnh, chị ngồi cùng mẹ bên bếp lửa thức canh nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa hương thơm khắp gian nhà nhỏ.
Sau này lớn lên, chị Lê học sự tỉ mẩn, khéo léo của mẹ để gói những chiếc bánh chưng dẻo thơm vuông vức. Ðến khi về nhà chồng, chị Lê vẫn giữ thói quen gói chiếc bánh truyền thống của dân tộc để ngày tết thêm phần ý nghĩa.
Hơn 3 năm nay, chị Lê còn cùng với một nhóm nữ tiểu thương chợ Ðèo - Núi Lá góp tiền gói bánh chưng tặng các cụ già neo đơn và người nghèo địa phương. “Chúng tôi muốn góp chút tấm lòng, mong người nghèo khó đón tết đầm ấm hơn”, chị Lê chia sẻ. Những chiếc bánh chưng xanh ấm tình đi qua bao mùa tết của chị Lê và những người bạn không chỉ giúp tình cảm gia đình, xóm làng bền chặt mà còn nhân lên nét đẹp văn hóa truyền thống ngày tết, lan tỏa sự chia sẻ yêu thương, tương thân, tương ái trong cộng đồng.
NGỌC DUNG