Cùng đồng nghiệp, họ trải qua những ngày tháng khó quên trên tuyến đầu, tại các bệnh viện dã chiến. Giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” đã qua, đọng trong ký ức là niềm vui, là hạnh phúc khi bao bệnh nhân COVID-19 bình phục, xuất viện.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoa (Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế TX Ðông Hòa) nhớ như in ngày cô và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến. Trưa 27/6, bác sĩ Ngô Ðình Quốc, Giám đốc trung tâm, khẩn cấp tập hợp lực lượng. Lúc đó, Hoa cùng hai con, đứa lớn sắp vô lớp 1, đứa nhỏ chưa đầy 30 tháng, đang ở nhà mẹ chị tại Hòa Ðồng (huyện Tây Hòa); chồng chị - cũng là bác sĩ y học cổ truyền - làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa. Vội vã xếp mấy bộ đồ, Hoa nói: “Má ơi, giám đốc kêu xuống tập hợp, chuẩn bị vô bệnh viện dã chiến điều trị COVID”. Má chị hỏi: “Ði mấy ngày rồi về con?”. “Dạ, chắc khoảng 3 tuần hoặc một tháng thì về”, Hoa trả lời, không biết rằng mình sẽ đi một mạch suốt hai tháng. Hoa nhớ gương mặt bần thần của má khi chị rời nhà vào đầu buổi chiều hôm đó.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn trao đổi với tác giả, tại một điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Sơn Hòa - Ảnh: MINH NGUYỆT |
KHOẢNG THỜI GIAN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
Tua trực đầu tiên tại bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Phú Yên, từ bác sĩ đến điều dưỡng mệt phờ vì bệnh nhân nhập viện đông, và công việc chăm sóc, điều trị F0 còn quá mới. Bỡ ngỡ. Lo lắng. Thời điểm đó, Bệnh viện Dã chiến Ðông Hòa tiếp nhận F0 và các ca bệnh nghi ngờ từ nhiều địa phương trong tỉnh. Có đêm, 50-60 bệnh nhân nhập viện. Ðôi mắt bác sĩ, điều dưỡng nào cũng thâm quầng. Sát cánh bên các “chiến sĩ áo trắng” tại đơn vị là những thầy thuốc được tăng cường từ các đơn vị, địa phương khác và lực lượng tình nguyện viên. Họ đã trải qua những ngày tháng không thể nào quên tại bệnh viện dã chiến tầng 2 này. Những ngày mệt lả vì công việc, vì sốc nhiệt, mất nước khi mặc trang phục phòng hộ và làm việc quên thời gian. Những ngày lo lắng khi gần 10 nhân viên y tế trong một tua trực trở thành F0, dù ai nấy đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống lây nhiễm. Lúc đó, họ vừa được tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19. May, không có ai chuyển nặng.
“Lực lượng tham gia phòng chống dịch – trong đó có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế - đã gác lại cuộc sống riêng tư, toàn tâm toàn ý cho công việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của lực lượng này trong công cuộc chống dịch. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trần Hữu Thế” |
Bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa nhớ những ngày đầu, lúc huyện miền núi này phát hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. “Dịch bùng phát rất nhanh, trong khi cán bộ, nhân viên y tế chưa chuẩn bị tâm lý. Ðó là những ngày vất vả nhất”, bác sĩ Nhàn chia sẻ. Chị cùng đồng nghiệp làm việc không kể ngày đêm. Hai tuần liền, chị không rời khỏi cơ quan. Có kết quả xét nghiệm, nếu âm tính thì cũng phải sau 23 giờ mới đi ngủ, còn nếu dương tính thì làm việc xuyên đêm.
Khi Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến, công việc lại nối tiếp công việc. “Bác sĩ, điều dưỡng theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, khi có những diễn biến chưa tốt thì hội chẩn trực tuyến với Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Ða khoa Phú Yên. Họ nói trường hợp này cần chuyển viện là mình chuyển ngay. COVID-19 diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân thấy mệt, khó thở, Sp02 tụt là mình phải hội chẩn liền”, bác sĩ Nhàn cho biết.
Ðiều dưỡng làm việc trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Ða khoa Phú Yên - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
KỶ NIỆM TRONG KHU ÐIỀU TRỊ COVID
Làm việc tại bệnh viện dã chiến trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, các “chiến sĩ áo trắng” có nhiều kỷ niệm khó quên. Bác sĩ Ðặng Hoàng Hương Thùy, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến, phụ trách Khoa Ðiều trị COVID-19 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên không thể quên ca trực vào một đêm tháng 8/2021, khi một F0 có tiền sử tâm thần phân liệt tái phát bệnh. Nhân viên y tế nói ngọt dỗ dành, bệnh nhân nghe, nhưng đến nửa đêm thì “đại náo” khu điều trị F0, ném các vật dụng cá nhân từ tầng 1 xuống sân bệnh viện. Khoảng 3-4 giờ sáng, người đàn ông này gỡ thanh đỡ vạt giường, đập bể cửa kính, đi ra lan can và… nhảy xuống sân! Cũng may khoảng cách giữa lan can và sân không cao lắm, bệnh nhân chỉ bị rạn xương gót chân.
Sáng hôm đó, bác sĩ chuyên khoa tâm thần được mời đến và rồi F0 này được chuyển đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh, còn vợ và hai con nhỏ tiếp tục điều trị tại Bệnh viện PHCN Phú Yên cho đến khi bình phục. Bác sĩ Thùy nói rằng qua cách ăn mặc của hai vợ chồng bệnh nhân và hai đứa bé, nhân viên y tế đoán là gia cảnh khó khăn. “Ðứa con lớn của họ chừng 5-6 tuổi, không có dép. Ðiều dưỡng thấy thương nên gởi bên ngoài mua dép cho cháu bé”, bác sĩ Thùy kể lại.
Bệnh viện Dã chiến Ðông Hòa là nơi có nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi. Trung thu. Nhân viên y tế lấy thùng giấy trang trí thành đầu lân, lấy áo mưa tiện lợi làm đuôi lân, tổ chức vui trung thu cho gần 20 bệnh nhân nhí tại khu điều trị. Các cháu được tặng lồng đèn và quà. Lần đầu tiên trong lịch sử hội trung thu, lân mặc… trang phục phòng hộ, “Tề Thiên đại thánh”, “Trư Bát Giới”… cũng mặc trang phục phòng hộ. Tiếng trống lân từ cái thùng nhựa vẫn rộn ràng. Nụ cười vẫn rạng rỡ trên những gương mặt trẻ thơ lẫn người lớn…
Trẻ con hồn nhiên, mắc COVID-19 vẫn vô tư chơi đùa. F0 người lớn thì khác, một số bệnh nhân bị tâm lý. Bác sĩ Hoa kể: “Bạn kia sắp kết hôn thì dương tính, được đưa vào bệnh viện. Cứ nửa đêm là cô ấy gọi điện, nói chị ơi em mệt, em khó thở lắm. Tôi mặc đồ phòng hộ xuống, vừa đi vừa nghĩ “Lạ ghê, cô bé này khỏe mà”. Ðo SpO2 99%. Tất cả đều bình thường. Mấy ngày liền như vậy. Tôi nghĩ, à, cô này bị tâm lý. Sau khi tôi xuống nói chuyện, động viên, cô ấy ổn định tâm lý, hết mệt. Khi ra viện thì gọi điện cảm ơn”.
Các nhân viên y tế thể hiện quyết tâm đẩy lùi COVID-19 - Ảnh: CTV |
NIỀM VUI KHI BỆNH NHÂN BÌNH PHỤC
Thời gian gần đây, số ca nhiễm tăng, các “chiến sĩ áo trắng” làm việc tại các cơ sở điều trị COVID-19 lại vất vả. Tại Bệnh viện Dã chiến Ðông Hòa, có ngày bác sĩ Hoa xử trí hơn 200 ca bệnh. “Bác sĩ, điều dưỡng đều vất vả. Sáng xuống bệnh phòng, xong việc thì lên, tắm, 9 giờ mới ăn sáng, 1-2 giờ chiều mới ăn trưa, 8-9 giờ đêm mới ăn bữa chiều. Có khi làm việc đến 11-12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng mới nghỉ một chút, sáng sớm dậy làm tiếp. Cũng đỡ là hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Vì họ đã tiêm vắc xin và bây giờ có thuốc kháng virus nên không diễn tiến nặng, nhanh âm tính”, bác sĩ Hoa nói.
Ði qua những ngày tháng đầy căng thẳng, lo âu và áp lực, đọng trong ký ức các nữ bác sĩ là cảm xúc đặc biệt mỗi khi bệnh nhân COVID-19 bình phục. Bác sĩ Nhàn, bác sĩ Thùy chia sẻ rằng mỗi khi bệnh nhân xuất viện, họ và các đồng nghiệp vui mừng, hạnh phúc. Bác sĩ Hoa kể: “Lúc mình thông báo ra viện, có người mừng quá, ôm hôn mình. Bệnh nhân và y bác sĩ đều mừng. Có người, bình phục rồi thì làm thơ tặng bệnh viện, chia sẻ tình cảm trên mạng xã hội”. Chị N.D - người từng cách ly, điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Ðông Hòa cùng mẹ, chia sẻ trên trang facebook cá nhân: “Má tôi có bệnh nền, khi nhập viện khó thở, tức ngực, rất mệt, sốt nhẹ và tim đập nhanh. Vào đến nơi báo tình trạng cho bác sĩ, trong vòng 10 phút, bác sĩ cho kiểm tra phổi, thở oxy, lấy mẫu xét nghiệm, sau đó cho uống và chích thuốc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Hàng ngày bác sĩ đều đến thăm khám, làm tâm lý cho bệnh nhân… Ngày thứ 14, sức khỏe má tôi hoàn toàn bình thường và được xuất viện. Gia đình rất biết ơn…”.
Chính niềm vui khi bệnh nhân bình phục đã tạo động lực để đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” khắp các bệnh viện vượt qua thử thách, làm việc quên mình trong đại dịch, vì sức khỏe của bao người.
PHƯƠNG TRÀ