Thứ Sáu, 22/11/2024 14:09 CH
Mùa cúc vàng hoa
Chủ Nhật, 30/01/2022 12:14 CH

Hoa cúc được khách hàng chọn mua ở Hội hoa xuân Tuy Hòa - Ảnh: MINH NGUYỆT

Tết cận kề. Dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhưng những người trồng cúc ở TP Tuy Hòa vẫn cần mẫn chăm hoa để mang xuân về khắp mọi miền.

 

NGHỀ CHA TRUYỀN CON NỐI

 

Phường 9 và xã Bình Kiến là nơi tập trung nhiều hộ trồng cúc ở TP Tuy Hòa. Cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, người trồng hoa đã hoàn tất việc vào chậu, bón phân, găm tăm và giăng điện, đặt bóng thắp sáng để kích thích hoa phát triển.

 

Trước kia, nhà tôi ở vùng đất trồng hoa, cha và mọi người chủ yếu trồng hoa cúc thường (cúc đá) cho cây nhỏ, hoa nhỏ và trong chậu đất cũng nhỏ. Mỗi sáng chiều, với đôi thùng thiếc đầy nước, tôi chạy re theo đất giồng tưới cúc. Tôi đo từng gang tay theo độ lớn của thân cây, đợi cúc ươm mầm và ra nụ mà mong tết sớm. Lúc ấy, cúc trồng ít, phải xen cùng thược dược, vạn thọ nên vườn hoa rực rỡ sắc màu. Mà khi ấy, hoa tết chỉ quanh quẩn bán theo ngõ chợ quê, lên phố thì cũng bám vào đầu chợ mà bán cùng mai rừng, quất cảnh nên dân trồng hoa chỉ trồng ít, có chơi ba ngày tết, tặng bà con lối xóm là chủ yếu. Năm đó, nếu lỡ trúng đợt sương muối phủ xuống là khỏi ngắm hoa.

 

Bây giờ, người dân chuộng trồng cúc đại đóa và mua giống cấy mô từ Ninh Hòa (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng) đem về. Dù cúc cấy mô được hình thành từ ống nghiệm, có thể tránh sâu bệnh nhưng muốn phát triển tốt cần được trồng ở nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Ngoài ra, người trồng cúc còn phải “Trông trời, trông đất, trông mây...”, bởi ở vùng đất này, thời tiết nắng mưa thất thường, lại lẫn sương muối, gió biển nên cây rất dễ nhiễm bệnh.

 

Anh Huỳnh Thế Anh, một người trồng cúc ở xã Bình Kiến cho biết: “Ðáng sợ nhất của cúc là bệnh nấm. Nấm xuất hiện cả trong mùa nắng, cả trong cát, nhất là phân chuồng còn ẩm. Thấy nấm mọc trên nách lá là người trồng cúc phải vội phun thuốc ngay vì nấm lan rất nhanh, chỉ trong vài ngày nấm có thể lan toàn cây từ gốc đến ngọn khiến cúc không phát triển và không có hoa. Toàn vườn ngập trắng nấm thì phải úp chậu! Sau nữa là sương muối làm héo lá, ngọn không bung, hoa ít, hoa không đều thì cúc sẽ rớt giá thê thảm. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, chăm sóc không kỹ là xong ngay một vụ hoa tết”.

 

Bên cạnh những người trồng cúc bán hàng trăm chậu cho thương lái chở đi khắp mọi miền thì cũng có những nhà vườn chỉ nhận trồng cho khách hàng đến đặt trước chứ không bán đại trà vì đất hẹp. Họ thường là những người có tay nghề vững, đảm bảo cây phát triển tốt, hoa tròn đều, có búp có nở và tàn lá kín gốc; chậu lớn cả vòng tay ôm, thân cao ngang đầu để đặt vào phòng khách biệt thự, trước cửa vào các công sở, nhà hàng, khách sạn... tượng trưng cho sự phát đạt, thành công trong năm mới.

 

Chị Lê Thu Yến ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9), chuyên trồng cúc loại này, cho biết: “Mỗi năm nhà tôi chỉ trồng cho khách đặt cúc từ sớm, bởi sân vườn chứa không quá 50 chậu kiểng đại dành cho loài hoa này. Trồng ít nên chủ yếu lấy công làm lời; trừ chi phí mua giống, phân bón, điện nước..., lợi nhuận không còn bao nhiêu, chỉ đủ để sắm sửa ba ngày tết. Tuy vậy, chúng tôi vẫn duy trì công việc này, cơ bản vì trồng cúc tết mang lại niềm vui cho nhà vườn mỗi khi xuân về tết đến và cũng vì không muốn mất đi nghề cha truyền con nối.

 

NIỀM VUI KHI TẾT ÐẾN XUÂN VỀ

 

Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ giữa năm 2021 đến tận lúc người dân vào vụ hoa tết. Tuy nhiên, thay vì ngừng hẳn mọi hoạt động như một số ngành nghề khác, người trồng cúc vẫn có thể làm việc. Trên diện tích hàng trăm mét vuông với từng hàng cúc thẳng tắp chỉ có bóng hai người ở đầu và cuối vườn cần mẫn chăm sóc hoa. Nước ban ngày chỉ một người tưới và đèn thắp sáng ban đêm bừng lên như góc phố nhỏ cũng chỉ một người ở lại trông coi. Hoa và người bên cạnh thủ thỉ chuyện trò, ăn cùng hoa và sống cùng hoa.

 

Nếu phân biệt các loại hoa đặc trưng vùng miền thì Hà Nội nổi tiếng với cúc họa mi, Bình Ðịnh có mai vàng nhiều cánh, Ðà Lạt hồng tươi, Tiền Giang vạn thọ đủ sắc… thì Phú Yên là cúc đại đóa.

 

Năm nay, sau mưa lũ, cúc đại đóa đã vươn cao, từng dãy chậu xếp đều tăm tắp trong nắng; những đợt mưa nhỏ làm cúc tươi tắn và tinh khiết hơn. Ðêm đêm, hàng trăm bóng điện bật sáng sưởi ấm không gian, giúp cúc bung lá, đón đợi những nụ hoa. Sau 23 tháng 10 âm lịch, nhà vườn thúc phân, phun thuốc, tỉa bỏ lá thừa, chờ hoa hé nụ. Ðến đầu tháng Chạp, các nhà vườn sẽ đón thương lái đến chọn mua hoa chở đi khắp mọi miền cả nước; số còn lại tiếp tục chăm sóc để cận tết thì đưa ra chợ, vào hội hoa xuân hay tỏa về các huyện, thị trong tỉnh.

 

Mỗi năm, vào độ hai mươi tháng Chạp, lũ lượt từng đoàn xe tải đến vườn chở cúc đại đóa (và cả mai vàng, quất) đi Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðà Nẵng… tạo không khí nhộn nhịp, báo hiệu ngày tết đã cận kề. Giờ mới chính là lúc người trồng hoa thở phào nhẹ nhõm; bao nhiêu vất vả, lo toan đã qua khi vườn cúc của mỗi người đã vươn cao trong từng chậu một với nụ tròn tươi, to đều he hé nở, thoảng đưa hương dìu dịu và chuẩn bị bung nở, khoe sắc vàng sặc sỡ trong nắng ở hội hoa xuân, ngõ phố và mỗi nhà. 

 

HUỲNH THẠCH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek