Thứ Tư, 02/10/2024 09:41 SA
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - Động lực để thoát nghèo
Thứ Sáu, 11/07/2008 11:04 SA

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức “Hội nghị  về công tác dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số” tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị đã nêu rõ những tồn tại trong công tác đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mở hướng tháo gỡ những vướng mắc trong công tác này thời gian đến.

 

DẠY NGHỀ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC MỚI CHỈ ĐÁP ỨNG 10-15% NHU CẦU

 

det-080711.jpg
Phụ nữ Chăm H’roi ở Đồng Xuân học nghề dệt thổ cẩm Ảnh:  VÕ AN KHÁNH
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Lê Bạch Hồng, chính sách đối với việc dạy và học nghề cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu học nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng được thụ hưởng các chính sách trong học nghề chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (khoảng 10% trong tổng số học sinh dân tộc thiểu số).

 

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Tiến Dũng đã nêu rõ thực trạng phát triển dạy nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu: Số đồng bào dân tộc thiểu số học nghề năm 2006 là 48.125 người (chiếm 3,5%), năm 2007 là 60.414 người (chiếm 4,3%), năm 2008 dự kiến  khoảng 60.000 người. Tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề còn rất thấp so với tỉ lệ chung và so với tỉ lệ dân số cả nước. Tuy nhiên, số lượng đồng bào dân tộc tham gia học nghề lại chủ yếu tập trung vào học ngắn hạn, còn số học nghề dài hạn, trung cấp nghề và cao đẳng để ra trường có bằng cấp chuyên nghiệp là rất ít.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho rằng: Dạy nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải được coi là “mục tiêu kép” vì vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa kiểm soát được tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số không có việc làm, thiếu hiểu biết bị cuốn vào tệ nạn xã hội và bị xúi giục, lôi kéo gây ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và chính trị. Nhưng hiện tại, chúng ta đang còn ít dự án đào tạo và việc làm cụ thể có thể đi vào cuộc sống.

 

“CÓ NGHỀ TRONG TAY -  ĐỔI THAY CUỘC SỐNG”

 

“Học nghề chính là một trong những động lực cơ bản để đưa đồng bào dân tộc thoát nghèo. Có nghề trong tay sẽ đổi thay cuộc sống. Chìa  khóa để mở cửa vào cuộc sống đối với thanh niên dân tộc chính là thành thạo một nghề” - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về công tác dạy nghề cho đồng bào dân tộc. Phó Thủ tướng đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách để cải thiện việc dạy nghề cho đồng bào dân tộc: Bộ LĐ-TB-XH cần phải tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc vào việc học nghề, giúp họ thay đổi những định kiến cũ về phương thức sản xuất, qua đó cải thiện cuộc sống nhanh và vững chắc, chất lượng hơn. Cần phải tạo ra động lực học nghề bằng cách gắn chặt hệ thống đào tạo nghề với nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục phát triển hệ thống các trường, lớp dạy nghề (kể cả các ngành nghề phi nông nghiệp), đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu để đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thu hút lao động và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phải luôn luôn gắn liền quyền lợi của người dân địa phương với các trường đào tạo nghề đóng tại địa phương đó. Cần bổ sung cho các trung tâm dạy nghề chức năng giới thiệu việc làm cho các học viên sau học nghề. Nhanh chóng đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bộ LĐ-TB-XH cần phối hợp với Bộ GD-ĐT để có thể đáp ứng nhu cầu 3 vạn giáo viên dạy nghề cho cả nước từ nay đến năm 2015, tiến tới xóa bỏ những “vùng trắng” giáo viên dạy nghề. Rà soát, kiểm tra lại những chương trình giáo dục dạy nghề đang triển khai kém hiệu quả ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, tuyệt đối không để tồn tại những trung tâm dạy nghề đào tạo chạy theo hình thức, chất lượng không đạt chuẩn, gây lãng phí cho xã hội.    

 

(chinhphu.vn)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek