40 tân binh nhập ngũ vào Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên hồi tháng 3/2008 đã vào học khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Trường huấn luyện C19 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa. Sau 4 tháng học tập, rèn luyện và trang bị những kiến thức để trở thành người chiến sĩ biên phòng thực thụ, các tân binh còn được sống trong môi trường chan chứa tình đồng chí đồng đội.
Tân binh BĐBP Phú Yên ở Trường huấn luyện C19 (BĐBP Khánh Hòa) |
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Có mặt tại đại đội huấn luyện C19 (Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa) vào buổi tối trước ngày các tân binh của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên làm lễ tuyên thệ ra trường nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi thấy “mâm tiệc” chia tay của mỗi trung đội là tấm bạt trải rộng giữa khoảnh sân bày biện đủ các loại bánh kẹo, trái cây, nước ngọt. Xen vào những câu chuyện hài hước, dí dỏm là những khúc hát về lính, về tình đồng đội vang lên, nói thay cho tình cảm và những nỗi niềm sâu lắng khó bày tỏ.
Binh nhì Nguyễn Duy Khanh ở Phú Thạnh, An Ninh Đông, Tuy An, kể: “Hết lớp 9, em nghỉ học ở nhà đi biển, sau đó nhập ngũ. Vào lính, xa nhà, mấy đêm đầu cứ muốn khóc. Nhưng sau thời gian huấn luyện cùng đồng đội, em không còn nhớ nhà nữa. Cách đây hai tháng, má vào thăm đã khen em bây giờ từ cách ăn nói đến đi đứng chững chạc hơn trước nhiều”. Trái ngược với sự trầm tĩnh của Khanh, Huỳnh Ngọc Huy ở An Hòa, Tuy An, sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Huy không đi dạy học mà đăng ký vào bộ đội. Huy thổ lộ: “Không như em hình dung, vào đây mới biết cán bộ chỉ huy trong đại đội luôn gần gũi, ân cần và thương tụi em. Các anh luôn quan sát, theo dõi từ bữa ăn, giấc ngủ đến tinh thần của bọn em như người cha, người anh cả trong gia đình”. Còn Nguyễn Quốc Khánh quê ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang bộc bạch: “Quân đội đưa chúng em vào khuôn khổ, còn mối gắn kết mà Ban chỉ huy tạo ra trong đại đội làm chúng em gắn bó nhau nhiều hơn. Tất cả chúng em, dù ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) hay tận Sông Cầu (Phú Yên) đều đã như anh em ruột thịt trong một gia đình”.
Thượng úy Phan Lê Giáp, Đại đội phó vũ trang kể: Hôm ấy, do sơ suất trong sinh hoạt, hai chiến sĩ trẻ, một gầy, một to khỏe bực dọc, sừng sộ như thể sắp xảy ra đánh nhau. Cùng lúc ấy, Ban chỉ huy đại đội phát lệnh báo động hành quân. Khẩu lệnh đưa ra, tất cả các chiến sĩ mang quân tư trang và vũ khí được phân phát để lên đường. Vô tình anh chiến sĩ gầy hơn lại được phân vác khẩu súng lớn hơn. Chạy được một lúc, tôi tình cờ ngoảnh lại thì phát hiện hai chiến sĩ này đang đổi súng để “giúp” nhau.
NHỮNG MỆNH LỆNH KHÔNG LỜI
Thượng úy Vũ Viết Hà, Đại đội trưởng huấn luyện C19 khẳng định: “Sự mẫu mực của người cán bộ chỉ huy là mệnh lệnh không lời đối với chiến sĩ. Ví dụ: Khi đặt ra quy định “Không hút thuốc trong doanh trại, đơn vị” thì tất cả đều phải chấp hành tuyệt đối, không có sự phân biệt đại đội trưởng hay tân binh”. Quả vậy, sự chuẩn mực đó đã giúp các tân binh không ngừng rèn luyện, vươn lên. Nhiều tân binh thổ lộ: “Ngày mới vào lính, nhiều đứa tụi em luộm thuộm, ăn nói cục cằn, hay nổi nóng. Nhìn vào đội ngũ chỉ huy, thấy các anh luôn nghiêm túc, mẫu mực trong sinh hoạt lẫn việc làm, dần dần bọn em học theo”.
Có những bài học có giá trị gấp trăm lần, nhưng không nằm trong những bài giảng mà ở sự khơi gợi từ thực tế cuộc sống. Đó là điều tôi rút ra được sau cuộc trò chuyện với chính trị viên Trần Viết Hòa khi nghe anh kể về việc tổ chức những chuyến hành quân dã ngoại, làm nhà, sửa nhà cho dân hay đắp đường ở địa phương. Đó là lúc các chiến sĩ có điều kiện tiếp xúc thực tế để biết chia sẻ, biết cảm thông, để thấy trách nhiệm của mình trước cuộc sống. Binh nhì Nguyễn Duy Khanh bày tỏ: “Mỗi lần tham gia tình nguyện cùng đại đội làm đường cho địa phương hay giúp bà con nghèo, tụi em hiểu hơn về sự yêu mến của bà con đối với bộ đội. Em thấy việc mình làm thật có ích. Theo em, sống có trách nhiệm với nhau là điều tốt đẹp nhất”.
Các tân binh thuộc nằm lòng 11 quy định chế độ trong ngày. Từ giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, giờ tăng gia, giờ ăn đến giờ đọc báo, xem thời sự, giờ ngủ... tất cả được “lập trình” chặt chẽ trong “hệ điều hành”, từ mỗi cá nhân đến tập thể, tiểu đội, trung đội. Có lẽ vậy mà trong buổi sinh hoạt chia tay, dù còn nhiều điều bày tỏ, nhưng Điều lệnh đã quy định rồi: 21 giờ 30 phút phải trở về phòng ngủ, nên ai nấy đều chia tay trong tiếc rẻ.
PHƯƠNG OANH