Ngày
Thực hiện giảm sinh để chăm sóc trẻ toàn diện - Ảnh: T.THỦY |
21 năm qua, với sự nỗ lực của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế, chương trình dân số toàn cầu đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Nhịp độ gia tăng dân số quá nhanh đã được giảm lại, nạn đói nghèo, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên từng bước được cải thiện, một số vấn đề về sức khỏe sinh sản đã được giải quyết tốt hơn, vị thế phụ nữ cũng được cải thiện dần ở một số khu vực. Hiện nay, dân số thế giới gần 6,7 tỉ người, mỗi năm tăng hơn 70 triệu người thay vì gần 100 triệu người như ở các thập kỷ trước. Chất lượng cuộc sống của dân số thế giới nói chung và những nước nghèo nói riêng đã được nâng cao một bước.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ quan trọng, song trong quá trình giải quyết tốt hơn các vấn đề dân số và phát triển bền vững, chúng ta đang phải tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn. Với quy mô dân số lớn, kinh tế phát triển không đồng đều, nạn suy thoái môi trường, nạn khan hiếm nước, việc đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu vẫn là một bài toán nan giải của nhiều nước. Gia tăng dân số vẫn còn nhanh, làm hạn chế kết quả của những nỗ lực giảm bớt nghèo đói, thất học. Trong một thế giới có AIDS, sự gia tăng dân số nhanh ở các nước đang phát triển còn kéo theo sự gia tăng số người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó bao gồm cả trẻ em và vị thành niên.
Để giải quyết thành công những vấn đề dân số, vì một thế giới công bằng, tiến bộ và phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của mỗi nước và cả cộng đồng quốc tế.
Ở Việt Nam, với sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, với việc huy động sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, công tác dân số đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Mức sinh giảm, tốc độ tăng dân số nhanh đã được giảm lại. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào những thành tựu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời, góp phần vào cố gắng chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết những vấn đề dân số và phát triển bền vững vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Ở Phú Yên, công tác dân số-sức khỏe sinh sản - KHHGĐ trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan. Mức sinh giảm từ 36,9%o năm 1989 xuống còn ở mức hơn 18%o hiện nay. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,3%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 4,8 con xuống còn khoảng 2,2 con. Tính đến cuối năm 2007, dân số Phú Yên có khoảng 885.000 người, chất lượng dân số (thể lực, trí lực và tâm lực) từng bước được cải thiện. Có được kết quả đó là nhờ công sức của toàn Đảng, toàn dân tỉnh ta đã ra sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cho sự thành công của chương trình dân số quốc gia. Tuy nhiên, Phú Yên vẫn còn những khó khăn và thách thức trên con đường đạt được các mục tiêu về ổn định dân số với chất lượng dân số cao và phát triển bền vững. Trong những năm tới, ngoài việc tiếp tục giảm mức sinh để đạt được mức sinh thay thế và tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, chương trình dân số của tỉnh sẽ tập trung hơn nữa vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số, phân bổ dân cư và chất lượng dân số như Chiến lược dân số đến năm 2010 đã được UBND tỉnh triển khai.
Chúng ta đang tập trung thực hiện Nghị định 13 và 14/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong đó có việc bàn giao chức năng và tổ chức về dân số từ Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em sang ngành Y tế. Điều này có ý nghĩa chúng ta tập trung vào một can thiệp y tế quan trọng - đó là KHHGĐ. Quyết định sinh con là một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Và lợi ích của KHHGĐ không chỉ bó gọn trong cuộc đời mỗi người mà còn cho cả gia đình và tương lai quốc gia.
Trước hết, KHHGĐ cứu được sinh mạng con người. Đây là một biện pháp can thiệp có tác động lớn giúp nâng cao sức khỏe phụ nữ và các bà mẹ, giúp phụ nữ và các cặp vợ chồng giãn khoảng cách giữa các lần sinh và tránh mang thai ngoài ý muốn. Cùng với chăm sóc hộ sinh và cấp cứu sản khoa, KHHGĐ là một biện pháp đã chứng tỏ hiệu quả góp phần đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ.
Thứ hai, KHHGĐ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo quyền năng cho phụ nữ và bình đẳng giới. Khi phụ nữ có thể KHHGĐ, họ có thể hoạch định cho toàn bộ cuộc đời về sau của mình. Thông tin và dịch vụ KHHGĐ giúp các cá nhân và các cặp vợ chồng thực hiện được quyền của mình trong việc quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là mấu chốt trong việc tạo quyền năng và bình đẳng cho phụ nữ.
Thứ ba, KHHGĐ là một biện pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo. Cha mẹ có thể có kế hoạch sớm cho tương lai, dành nhiều nguồn lực của mình hơn cho giáo dục và sức khỏe của từng đứa con. Điều đó có lợi cho gia đình, cộng đồng và quốc gia
Tăng cường khả năng lựa chọn và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với thanh niên, sẽ tạo tiền đề cho sự ổn định và bền vững trong các kết quả đã đạt được. Chúng ta hãy phấn đấu hơn nữa để thực hiện chương trình dân số-KHHGĐ vì lợi ích của những thế hệ hiện tại và tương lai, vì lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước.
B.S TRẦN VĂN TÝ
Giám đốc Sở Y tế Phú Yên