Khu vực Gò máng (phường 5, TP Tuy Hòa) đã được chọn làm nơi xây dựng Nhà bảo tàng Phú Yên. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai do hàng chục hộ dân lấn chiếm đất trái phép không trả lại mặt bằng.
Khu Gò Máng vốn là một nghĩa trang từ trước 1975. Thế nhưng, sau năm 1989, nơi này đã bị nhiều người đến lấn chiếm để canh tác và sinh sống. Do sự quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương nên nơi đây trở thành một khu dân cư với khoảng 103 hộ dân.
Sự chiếm dụng đất công trái phép của những hộ dân ở khu Gò Máng không chỉ làm chậm tiến độ thi công Nhà bảo tàng Phú Yên mà còn khiến đường Hùng Vương trở nên nhếch nhác – Ảnh: S.MAI
Năm 2000, khu dự án đường Hùng Vương được triển khai, Ban Quản lý các công trình trọng điểm Phú Yên phối hợp cùng UBND TP Tuy Hòa đã tiến hành đền bù, di dời 81 hộ dân Gò Máng nằm trong mặt bằng lòng đường, vỉa hè và quỹ đất dọc hai bên đường. Thế nhưng, trong một khoảng thời gian ngắn, số hộ dân nơi đây từ 22 hộ (còn lại) đã tăng lên con số 69 hộ! Họ là những người mới đến lấn chiếm, mua bán sang tay đất công và cả những người đã được cấp đất tái định cư nhưng bán lại cho người khác rồi quay về tiếp tục lấn chiếm. Do vậy tình hình an ninh trật tự nơi đây trở nên rất phức tạp.
Giữa năm 2004, khi mà nơi đây được UBND tỉnh chọn làm nơi xây dựng Nhà bảo tàng Phú Yên thì chính quyền thành phố phải thống kê lại các hộ dân ở khu vực Gò Máng. Tuy nhiên, sau khi thành phố thông báo buộc các hộ dân phải tháo dỡ nhà cửa để trả lại mặt bằng thì nhiều đơn thư khiếu kiện đã được gửi đi khắp nơi. UBND tỉnh đã phải chỉ đạo cho Thanh tra nhà nước xác minh, giải quyết khiếu nại. Kết quả đã có 7 hộ dân gồm Trần Quốc Hiến, Phan Thị Loan, Phan Đình Dự, Phan Đình Long, Nguyễn Kim Đề, Nguyễn Văn Nam và Tống Phước Thành được tỉnh cấp đất tái định cư nhưng đến nay các trường hợp này vẫn chưa chịu đóng tiền sử dụng đất và tiếp tục ở tại khu Gò Máng. Chỉ có 4 trường hợp không thuộc các hộ trên đã tháo dỡ nhà cửa, công trình, vật kiến trúc sau khi được nhận đất tái định cư hoặc lều quán nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn. Như vậy, hiện khu Gò Máng vẫn còn đến 66 hộ dân cư trú trái pháp luật, bất chấp sự động viên, thuyết phục của chính quyền thành phố. Theo UBND phường 5, phương án cưỡng chế để giải tỏa khu vực Gò Máng đã được lập từ tháng 8-2004 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo chúng tôi, để công trình Nhà bảo tàng Phú Yên sớm được triển khai và bảo đảm mỹ quan của đường Hùng Vương, việc cưỡng chế giải tỏa những hộ dân chiếm dụng đất trái phép ở khu Gò Máng phải được tiến hành ngay và cương quyết.
SAO MAI