Theo Phòng Lao động tiền lương (Sở LĐ – TB – XH tỉnh Phú Yên) trong năm 2005, tổng số có khoảng 180 lao động được xuất khẩu. Trong khi đó, mục tiêu của đề án từ năm 2003-2005 là xuất khẩu 2.300 lao động, tính tròn số cũng chỉ đạt 1%!
Nếu như trước đây, lý do tài chính khiến nhiều người đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ xuất ngoại, thì hiện nay vấn đề này cơ bản đã được tháo gỡ. Người lao động xuất khẩu được vay tối đa 20 triệu đồng mà không phải thế chấp, với điều kiện không bị mắc nợ đọng tại ngân hàng. Và họ hoàn toàn có thể vay thêm để đi những nước có mức phí cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…, nếu có tài sản thế chấp.
Đến nay, một bộ phận lớn nhân dân ở Phú Yên chưa có nhiều về thông tin xuất khẩu lao động (XKLĐ) và những kết quả tốt đẹp của nó. Trong khi đó, thông tin về các vụ “tai nạn” khi ra nước ngoài làm ăn (bị ngược đãi, ức hiếp, lang thang…) lại khá nhiều. Hầu hết người dân có tâm lý lo sợ khi một thân một mình ở xứ người, trong khi các đơn vị trong nước phủi tay hết trách nhiệm. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: “Sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo và thực hiện các chính sách XKLĐ; thiếu thông tin và tâm lý, trình độ của chính người lao động không đủ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến XKLĐ”. Năm 2005, loạt nhu cầu tuyển dụng lao động xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là rất lớn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn khá cao nên các ứng viên của ta không đáp ứng được.
Tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động
Hiện toàn tỉnh có 3 Trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng liên kết cung ứng lao động xuất khẩu là: Trung tâm giới thiệu việc làm (7B Hoàng Diệu, TP Tuy Hòa, thuộc Sở LĐ – TB – XH tỉnh), Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn ( 274 Trường Chinh TP Tuy Hoà, thuộc LĐLĐ) và Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên (30 Duy Tân, TP Tuy Hoà, thuộc Hội Liên hiệp thanh niên VN tỉnh Phú Yên). Các Trung tâm này đang tuyển dụng một số lượng lớn lao động (nam, nữ) phổ thông và lao động có nghề đi làm việc tại các nước Malaixia và Úc. Đối với lao động tại Malaixia chi phí trên dưới 20 triệu đồng, mức lương trên dưới 6 triệu đồng/ tháng. Lao động tại Úc, chi phí xuất cảnh khoảng 150 triệu đồng, mức lương khoảng 390 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, các trường: Dạy nghề, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, Cao đẳng Xây dựng số 3 hàng năm đều được các bộ, ngành dọc giao chỉ tiêu tuyển công nhân XKL.
Ông Đinh Quốc Văn, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn nhìn nhận: “Kinh nghiệm của những nơi làm tốt công tác XKLĐ cho thấy phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền trực tiếp, nghĩa là chuyên viên phải đến tận nơi, thậm chí cùng ăn cùng ở tại địa bàn”. Đợt tiếp xúc của Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn ở các huyện và Hội chợ việc làm do tỉnh tổ chức làm nhận thức của người lao động chuyển biến rõ rệt. Ông Văn cho biết thêm: “Hiện nay, số lượng người lao động đến Trung tâm tìm hiểu sâu về XKLĐ ngày càng nhiều, cứ 10 người thì có 3 người hỏi về XKLĐ”.
Công tác XKLĐ ở Phú Yên đang gặp rất nhiều khó khăn. Nên chăng, tỉnh hỗ trợ kinh phí tuyên truyền cho các Trung tâm giới thiệu việc làm, căn cứ trên số người được làm thủ tục XKLĐ; tham khảo mô hình, cách làm của các tỉnh bạn, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Dù đến nay số lượng lao động Phú Yên xuất khẩu chưa cao nhưng đây là hướng đi đúng, vấn đề là khắc phục những tồn tại để làm tốt hơn. Dự kiến trong tháng 4 này, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành tổng kết để bàn hướng đi khả dĩ cho công tác” .
TRẦN QUỚI