Thời gian qua, Phú Yên đã thực hiện khá tốt chủ trương xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2010, tỉnh phấn đấu cơ bản xóa xong nhà ở tạm cho hộ nghèo. Vấn đề đặt ra là bên cạnh nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đề án, chất lượng các ngôi nhà được hỗ trợ cho người nghèo phải được đặc biệt quan tâm.
Trao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở Hoà Mỹ Tây (huyện Tây Hoà) - Ảnh: P.V |
Theo đề án giai đoạn 2009-2010, những hộ được hỗ trợ xóa nhà ở tạm là hộ nghèo chưa có nhà ở; hộ nghèo có nhà ở tạm nhưng phải có hộ khẩu độc lập, với số nhân khẩu từ hai người trở lên; có đất ở ổn định và nguồn vốn đối ứng. Từ cơ sở đó, Nhà nước sẽ xem xét để hỗ trợ tùy theo điều kiện cụ thể. Đối với nhà xây cấp 4, tường phải xây gạch, tô trét hoàn thiện, mái lợp ngói, những trường hợp quá khó khăn có thể dùng tôn nhưng phải đảm bảo chất lượng và chiều cao tối thiểu là 3,2m tính từ nền đến điểm cao nhất của mái, nền xi măng hoặc gạch hoa; diện tích nhà tối thiểu 28m2. Đối với nhà sàn, bộ khung chắc chắn, tối thiểu có 6 trụ, vách ván hoặc mò o đan, mái lợp ngói, sàn bằng ván gỗ hoặc mò o đan. Tổng mức đầu tư tối thiểu 12 triệu đồng/nhà, bao gồm vốn hỗ trợ đề án, vốn lồng ghép, vốn huy động giúp đỡ của cộng đồng và vốn tự lực của hộ gia đình.
Việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Những hộ nghèo chưa đủ điều kiện về vốn đối ứng, thì địa phương cần tích cực tuyên truyền vận động, huy động thêm nguồn lực tại cộng đồng nhằm đảm bảo khi thực hiện, xây dựng nhà ở phải kiên cố, bền vững. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền và hội đoàn thể các địa phương cần tích cực huy động nguồn lực tại chỗ, đóng góp của cộng đồng, gia đình họ tộc và động viên sự vươn lên của chính hộ nghèo. Khắc phục tình trạng hộ nghèo chỉ thực hiện nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước mà không có phần vận động hoặc tự lực, dẫn đến nhà ở kém chất lượng, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu của chương trình.
Giai đoạn 2009-2010, Phú Yên phấn đấu xây dựng: 3.809 nhà. Trong đó, hộ nghèo chính sách: 51 nhà; hộ nghèo dân tộc thiểu số: 1310 nhà; hộ nghèo khác: 2.448 nhà với tổng kinh phí thực hiện là 24.221 triệu đồng. Trong đó, huy động từ ngân sách: 7.800 triệu đồng; quỹ “Ngày vì người nghèo”: 5.000 triệu đồng. Chương trình 134: 7.860 triệu đồng; huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: 3.561 triệu đồng. Về mức hỗ trợ hộ nghèo chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số: 7 triệu đồng/hộ; hộ nghèo khác: 6 triệu đồng/hộ.
Trong công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chương trình, cần tiếp tục phát huy dân chủ cơ sở, đảm bảo công bằng, công khai. Đối tượng hỗ trợ phải được tổ chức tham gia lấy ý kiến và bình xét của người dân từ hội nghị thôn, xóm. Việc tổ chức xây dựng nhà ở sẽ do hộ nghèo tự chọn lựa mô hình và tổ chức thực hiện. Trong đó, có sự hỗ trợ tư vấn của UBND xã hoặc các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Riêng đối với những trường hợp hộ nghèo không có khả năng tổ chức thực hiện xây dựng nhà ở, có nhu cầu và viết đơn đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, UBND xã phân công và giao trách nhiệm cho tổ chức hội đoàn thể đảm nhận việc vận động và tổ chức xây dựng nhà ở cho họ.
Chương trình xóa nhà tạm đối với hộ nghèo là một giải pháp góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, là việc làm hết sức có ý nghĩa, không những tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định đời sống vật chất mà còn khơi dậy, phát huy truyền thống tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Để đạt được mục tiêu đề án đề ra, các ngành, các cấp hội đoàn thể nên phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp, phát động cộng đồng tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV đã đề ra.
VŨ THANH BÌNH
Phó trưởng ban chỉ đạo đề án Xóa nhà ở tạm tỉnh Phú Yên