Sau một tháng triển khai, nhiều người lao động và người sử dụng lao động trong cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 31/7, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện xác nhận danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 175.804 lao động của 10.858 đơn vị sử dụng lao động tại 55 tỉnh, thành phố để hưởng các chính sách hỗ trợ.
Trong số danh sách do cơ quản bảo hiểm xã hội xác nhận có hơn 124.119 lao động thuộc diện được hỗ trợ tiền mặt gồm 116.160 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được hỗ trợ 1.855.000 đồng/người; 7.959 lao động ngừng việc được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng người.
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, thời hạn giải quyết đối với hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là không quá 4 ngày làm việc, với hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề duy trì việc làm là không quá 2 ngày làm việc. Tuy nhiên, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội đã điều chỉnh giảm thời gian giải quyết hồ sơ xuống chỉ còn không quá một ngày giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách.
Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tính đến hết ngày 31/7, đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị gồm 9.533 lao động, với số tiền 61,53 tỉ đồng tại 24 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang và Trà Vinh.
Đối với chính sách vay vốn, có 16.764 lao động ngừng việc được hỗ trợ chính sách vay vốn trả lương ngừng việc; 25.877 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất; 9.044 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và gửi thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng hơn 11,2 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 là khoảng 4.322 tỉ đồng.
Theo Vietnam+