Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Phú Yên vừa tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho học sinh khối tiểu học và THCS trong tỉnh.
Các hoạt động này nhằm trang bị cho trẻ em những kiến thức về kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột…
Trang bị nền tảng kiến thức cơ bản
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm CTXH cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em diễn ra từ ngày 1-30/6 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”; tại các trường tiểu học và THCS và một số xã trên địa bàn TX Sông Cầu, huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Trung tâm CTXH đã có những hoạt động truyền thông thiết thực.
Nội dung truyền thông, tư vấn, cung cấp kiến thức kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài, trẻ em phải học trực tuyến. Đồng thời tuyên truyền về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2021; cách bảo vệ trẻ em an toàn... Qua đó giúp các em và người chăm sóc trẻ có kiến thức về những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong mùa dịch bệnh cũng như trải qua kỳ nghỉ hè an toàn.
Ngoài ra, tại các buổi truyền thông, các em còn được hướng dẫn kỹnăng giải quyết xung đột, tránh trường hợp bạo lực học đường, phòng chống xâm hại; được tham gia thảo luận nhóm, xử lý tình huống và đưa ra các giải pháp để tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Các em còn biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn và các cơ quan bảo vệ trẻ em, biết được số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để gọi hỗ trợ khi cần giúp đỡ.
Em Đỗ Văn Trọng, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) cho biết đây là lần đầu tiên em tham gia một buổi truyền thông về kỹ năng phòng chống đuối nước. “Các cô chú dặn, mùa hè đến hạn chế đi tắm sông, suối; những nơi nước chảy, nước sâu khi đi phải có người lớn đi kèm. Giờ em biết rồi, mùa hè này em sẽ cẩn thận, không tắm sông suối, ao hồ, mà ở nhà chơi bắn bi cùng các bạn”, Trọng nói.
Còn em Y Nhiên ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) thổ lộ: “Mùa hè, thường chúng em chỉ loanh quanh trong nhà, trong xóm hoặc chơi những trò chơi không an toàn như leo trèo, dễ gây tai nạn thương tích, có khi đánh nhau... Mùa hè này, chúng em được các cô chú nhắc nhở nên tham gia các trò chơi dân gian, hạn chế ra ngoài tiếp xúc đông người để phòng ngừa dịch bệnh”.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, thông qua truyền thông, các em có nền tảng kiến thức cơ bản và có thể chia sẻ những kiến thức đã được học cho các bạn cùng lớp biết. Từ đó vận dụng vào thực tế, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh xa nguy hiểm và những loại tai nạn thường gặp.
Đồng hành trong mùa dịch
Ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH, cho biết: “Hiện học sinh tiểu học, THCS đang nghỉ hè, vì vậy, chúng tôi chọn chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi với trẻ để các em nhận thức được cần làm gì và hiểu được trách nhiệm của mình. Điều này sẽ giảm tối đa những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em”.
Chị Đặng Ngọc Hân ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) có 2 con đang học tiểu học và THCS. Theo người mẹ trẻ này, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát chưa có dấu hiệu dừng lại, trẻ nhỏ là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt nhất. “Hàng ngày, ngoài việc cùng các con tham các hoạt động, sinh hoạt vợ chồng tôi còn lắng nghe và khuyến khích con vui chơi các trò chơi bổ ích; hướng dẫn con luyện tập thể dục để có sức đề kháng tốt, vượt qua đại dịch, sống trong môi trường an toàn”, chị Hân chia sẻ.
Theo Cục Trẻ em, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các cấp, ngành càng cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
“Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chủ đề chính xoay quanh các vấn đề về bảo vệ trẻ em trong khu cách ly, hướng dẫn cha mẹ đồng hành cùng con cái trong mùa dịch, sử dụng internet an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và các vấn đề chăm sóc sức khỏe thể chất tinh thần, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình. Trên cơ sở đó, các trung tâm, địa phương có những hoạt động giúp trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phóng sự, video clip, áp phích, băng rôn, tờ rơi...”, bà Đỗ Thị Minh Giang, chuyên viên Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết.
Thông qua truyền thông, các em có nền tảng kiến thức cơ bản và có thể chia sẻ những kiến thức đã được học cho các bạn cùng lớp biết. Từ đó vận dụng vào thực tế, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh xa nguy hiểm và những loại tai nạn thường gặp. Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm CTXH Phú Yên |
KIM CHI