Thứ Tư, 02/10/2024 00:29 SA
Ông chủ doanh nghiệp mê cổ vật và cây cảnh
Thứ Ba, 16/02/2021 15:00 CH

Anh Khoa với chiếc trống đồng và nhiều cổ vật giá trị - Ảnh: XUÂN HIẾU

Ở huyện nông thôn mới Tây Hòa nói chung, xã Hòa Đồng nói riêng hầu như không ai xa lạ với cái tên Kim Khoa. Và cái tên này càng gần gũi với mọi người hơn khi mới đây Văn phòng liên lạc Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên thuộc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam do anh Khoa làm đại diện chính thức được thành lập.

 

Từ quốc lộ 29 rẽ qua cầu Tổng (Phú Thứ) đi thêm một đoạn khoảng hai cây số, đến ngã 3 thuộc thôn Phú Diễn Ngoài, xã Hòa Ðồng, ngay phía bên trái đường là cơ sở kinh doanh kim loại quý, xe máy Kim Khoa. Ðây cũng chính là Văn phòng liên lạc CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Phú Yên. Ngôi nhà 3 tầng khang trang nằm bên trái, đối diện với tượng đài “Mẹ Hòa Ðồng chặn xe tăng” với diện tích mỗi tầng khoảng 200m2, tầng dưới hoạt động kinh doanh và sinh hoạt gia đình. 2 tầng còn lại anh Khoa dành để làm bảo tàng tư nhân.

 

CHỦ NHÂN CỦA HƠN 3.000 CỔ VẬT

 

Anh Kim Khoa tên thật là Lê Tấn Khoa, tuổi Hợi (1971). “Tôi yêu quý và mê sưu tầm cổ vật từ nhỏ. Hơn 3.000 cổ vật mà tôi hiện có phần lớn là do ông nội và cha tôi để lại”, anh Khoa cho biết.

 

Ðã từng tham quan một số bảo tàng tư nhân ở những địa phương khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng một bảo tàng cổ vật ngay tại quê hương mình. Sự độc đáo của các cổ vật ở đây là nguồn gốc, xuất xứ và sự đa dạng của nó; nhiều cổ vật được vua, quan thời phong kiến sử dụng và được các nhà chuyên môn đánh giá cao, như chiếc rìu đá có niên đại hơn 3.000 năm; chiếc trống đồng hàng ngàn năm; chiếc tù và bằng ngà voi thời Gia Long; thanh kiếm thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ; những đôi khuyên tai bằng ngà voi, bộ tẩu hút thuốc bằng đồng, bằng gốm… Chiếm số lượng lớn là bình, ghè, ché thuộc dòng gốm Quảng Ðức đã lên màu thời gian.

 

Ðưa tôi đi tham quan từ gian này đến gian khác, giới thiệu hết cổ vật này đến cổ vật kia, anh Khoa cho biết sắp tới sẽ mời cán bộ có chuyên môn giỏi của Bảo tàng tỉnh giúp trưng bày và bảo quản.

 

“Ðây là toàn bộ tâm huyết mà ông bà, cha mẹ để lại và hàng chục năm qua tôi cất công sưu tầm, gìn giữ cho đời sau. Thời bom đạn chiến tranh, có lúc phải bỏ nhà mà đi nơi khác, ông nội và cha tôi đã đào hầm để chôn cất, giữ gìn những cổ vật này. Sau này, cũng có lúc gặp khó khăn nhưng tôi nhất quyết không bán chúng đi dù ai có ra giá cao. Vì chúng không chỉ là tài sản của riêng gia đình tôi mà còn là cổ vật của quốc gia. Tôi chỉ mong muốn được góp một phần vào việc phát triển, quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt đến với người dân địa phương và du khách”, anh Khoa bộc bạch.

 

Theo Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam Ðoàn Anh Tuấn, làm bảo tàng gia đình là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, tốn kém. Cho dù có đủ điều kiện vật chất, tài chính mà thiếu tâm huyết, điều kiện về con người thì cũng khó có thể làm được.

 

“Chỉ có những người có tâm huyết như anh Khoa mới làm được. Theo tôi, nếu được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, anh Khoa có thể mở bảo tàng tư nhân theo Luật Di sản văn hóa. Cơ sở này tạo nên cú hích mang đến sự đa dạng cho hoạt động trưng bày và lưu giữ hiện vật, tạo điểm đến thú vị cho người dân địa phương và du khách, qua đó lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần, ký ức của đất nước...”, ông Ðoàn Anh Tuấn nhìn nhận.

 

NGHỆ NHÂN CÂY CẢNH, TÌNH NGUYỆN VIÊN CHỮ THẬP ÐỎ TIÊU BIỂU

 

Không chỉ mê những đồ vật đã lên màu thời gian, ông chủ doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý và xe máy này còn mê chơi cây cảnh và hiện đang sở hữu hàng trăm chậu bonsai và hàng trăm gốc mai, lộc vừng, ba chia… với nhiều kiểu dáng. Trong đó, nhiều món có giá đến vài chục hoặc hàng trăm triệu đồng.

 

Theo anh Khoa, nói về mai, quý nhất là mai đọt xanh, bởi vì loại này xưa kia chủ yếu chỉ có vua quan chơi. Hay cùng một loại, nhưng mai ở những vùng đất khô cằn, thường xuyên gánh chịu bão tố như Phú Yên thường có giá cao hơn những tỉnh khác. Giá trị của cây cảnh còn phụ thuộc vào thế, dáng và sở thích của người chơi như: cành chi đối trực tượng trưng cho người quân tử; dáng bay, thác đổ tượng trưng cho giới văn nghệ sĩ; dáng trực, rớt dành cho giới văn chương, những người có trình độ học vấn cao.

 

Hiện tại, công việc buôn bán đã có bà xã đảm đương, hầu hết thời gian trong ngày của ông Phó Chủ nhiệm CLB Cây cảnh huyện Tây Hòa này là dành cho cổ vật và tạo dáng, thế cho cây. “Cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Nhưng cây cảnh tôi trồng chủ yếu để trưng bày tại các hội nghị của xã, của huyện, phục vụ đại hội đảng các cấp… Còn chỗ thân quen, ai có nhu cầu thì mình cho mượn chơi mấy ngày Tết hay dăm ba hôm rồi mang về chăm sóc, không đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu. Hàng ngày được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, được lặt lá, tỉa cành, tạo dáng vóc cho cây là một niềm vui, sự thư giãn thú vị”, anh Khoa nói.

 

Ngoài ra, anh Khoa còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và là Ðội trưởng Ðội Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Hòa. Thơ do anh sáng tác, một số bài đã được diễn xướng tại Hội thơ Nguyên tiêu hàng năm của tỉnh và luôn có mặt trong Ðêm thơ xã Hòa Ðồng vào mùng 4 Tết Nguyên đán từ hàng chục năm qua. Anh vinh dự vừa được nhận danh hiệu “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2015-2020”.

 

Luật Di sản văn hóa cho phép và khuyến khích thành lập bảo tàng tư nhân, chia sẻ áp lực về đầu tư văn hóa với nhà nước. Không chỉ đóng góp hiện vật, công sức, kỹ năng, trí tuệ…, bảo tàng tư nhân còn góp phần lưu giữ nhiều hiện vật vô giá, chống chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Những nỗ lực cá nhân và niềm đam mê cháy bỏng của anh Lê Tấn Khoa trong sưu tập, giữ gìn cổ vật rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ sát cánh, hỗ trợ anh Khoa và CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Phú Yên về mặt chuyên môn nghiệp vụ để công tác bảo quản, giữ gìn cổ vật ngày một hoàn thiện, chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.

 

Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Văn An

  

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Việt ở trời Tây
Chủ Nhật, 14/02/2021 10:00 SA
Nước về làng Dao
Chủ Nhật, 14/02/2021 07:00 SA
Mùa xuân là Tết trồng cây
Thứ Sáu, 12/02/2021 10:00 SA
Trọn đời vững tin theo Đảng
Thứ Sáu, 12/02/2021 08:00 SA
Xuân ấm với niềm tin cất cánh
Thứ Sáu, 12/02/2021 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek