Tối 27/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phạm Đại Dương đã đi kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 9 và đến thăm hỏi, động viên các hộ dân đang tránh trú bão tập trung ở TX Sông Cầu.
Theo dự báo, TX Sông Cầu là địa phương ở Phú Yên có khả năng bị ảnh hưởng nặng khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Lúc 21 giờ 30, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác đã kiểm tra một số khu vực xung yếu, có thể bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 9 tại địa phương này.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Đến 20 giờ 30, toàn thị xã đã sơ tán hơn 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu về các nơi tránh trú an toàn như phương án đã xây dựng. Một số trường học, trụ sở UBND xã, phường, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... trên địa bàn thị xã đã được tận dụng để đưa dân về tránh trú bão trong đêm nay. Đến thời điểm này, tất cả người dân trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu cá đã được vận động vào bờ tránh trú bão an toàn. TX Sông Cầu đang triển khai lực lượng, duy trì trực 24/24 giờ nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó cơn bão số 9.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương thăm hỏi, động viên người dân đang tránh trú bão tập trung tại trụ sở UBND xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) - Ảnh: ANH NGỌC |
Đến thăm người dân đang tránh trú bão tại trụ sở UBND xã Xuân Hải, ngoài động viên, chia sẻ cùng bà con, đồng chí Phạm Đại Dương đã yêu cầu địa phương tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho người dân tại các nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ vào đất liền đến khi bão tan. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cũng yêu cầu TX Sông Cầu tiếp tục nắm tình hình, triển khai phương án ứng phó bão số 9, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ 19 giờ ngày 26/10 đến 19 giờ ngày 27/10, khu vực tỉnh Phú Yên có mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 1,6-26mm. Tính đến 22 giờ ngày 27/10, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở mức dưới báo động cấp I. Phú Yên có 130 tàu cá/821 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ là 119 tàu cá/745 lao động (vùng biển quần đảo Trường Sa và đã vào các đảo để tránh trú bão), 11 tàu cá/76 lao động hoạt động gần bờ đã chủ động vào các nơi neo đậu tránh trú an toàn.
Lúc 18 giờ ngày 27/10, hồ thủy điện Sông Ba Hạ vận hành máy và xả lũ với lưu lượng 900m3/s (dự kiến 12-24g tiếp theo tổng lưu lượng nước về hạ du từ 1.000-1.600 m3/s); hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ 35m3/s; hồ thủy điện Krông HNăng chạy máy và xả lũ với lưu lượng 125m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 chạy máy với lưu lượng 14,71m3/s. Lúc 16 giờ ngày 27/10, mực nước các hồ thủy lợi gồm hồ Đồng Tròn: 27,53m/35,5m, hồ Phú Xuân: 30,59m/36,5m, hồ Suối Vực: 81,1m/88,1m; các hồ chứa thủy lợi nhỏ đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế.
Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ - Ảnh: ANH NGỌC |
Tính đến 22 giờ ngày 27/10, các địa phương đã tổ chức sơ tán dân các khu vực ven biển, sông có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt, triều cường... với khoảng 11.308 hộ/44.218 nhân khẩu.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, có khả năng chia cắt kéo dài nhiều ngày. Các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho vùng hạ du hồ chứa, điều tiết xả lũ hợp lý; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, triều cương; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời các sự cố do bão, lũ gây ra.
ANH NGỌC