Thứ Tư, 09/10/2024 21:24 CH
Toàn tỉnh chủ động ứng phó bão số 9
Thứ Ba, 27/10/2020 19:02 CH

Nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên chống đỡ các cây xanh.

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi bão số 9 đổ bộ, các địa phương trong tỉnh đã tích cực có các biện pháp ứng phó. Các hộ dân trong vùng dự kiến bị ảnh hưởng 9 đã chủ động, tự giác gia cố, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn… nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra.

  

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, chiều 27/10, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở dưới báo động cấp I. Đến 14 giờ ngày 27/10, Phú Yên có 271 tàu cá/1.423 lao động của đang hoạt động trên biển, trong đó hoạt động xa bờ 126 tàu cá/786 lao động (vùng biển giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa), các tàu cá hoạt động gần bờ đã chủ động vào các nơi neo đậu tránh trú. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 900m3/s (dự kiến 12-24g tiếp theo tổng lưu lượng nước về hạ du từ 700-1.400 m3/s); các hồ chứa thủy lợi đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Các địa phương đã tổ chức sơ tán tập trung đối với các khu vực dân cư ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt khoảng với 7.349 hộ dân. Số lồng bè trên địa bàn tỉnh đang nuôi khoảng 81.175 ô lồng/2.420 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa, lũ. Đến 16 giờ ngày 27/10, công tác gia cố, chằng néo lồng bè nuôi trồng thủy sản cơ bản đã hoàn thành.

 

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, có khả năng chia cắt kéo dài nhiều ngày. Các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho vùng hạ du hồ chứa, điều tiết xả lũ hợp lý; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, triều cương; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời các sự cố do bão, lũ gây ra.

 

* TP Tuy Hòa: Sơ tán 1.892 người dân đến nơi an toàn tránh bão

 

Chiều 27/10, ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Tính đến 17 giờ 30 phút, các xã, phường trên địa bàn đã sơ tán 516 hộ dân với 1.892 nhân khẩu đến nơi an toàn để tránh bão số 9. UBND phường Phú Đông đã thông báo cho 12 hộ nuôi tôm và thủy sản để tổ chức di dời 24 lao động ra khỏi các trại nuôi tôm trước 18 giờ.

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh di dời tàu thuyền đến nơi an toàn. NGỌC HÂN

 

Đồng thời, trên các công trường đang triển khai trên địa bàn thành phố, tất cả các thiết bị, vật tư đều đã được di chuyển, tập kết đến nơi an toàn để tránh thiệt hại. Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thanh thành phố, bố trí xe tuyên truyền lưu động, loa phát thanh phường, xã thường xuyên cập nhật tin tức mới nhất của cơn bão số 9 để người dân nắm. Trong vòng 24/24 giờ tới, tất cả các xã, phường bố trí cán bộ trực để sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Địa phương cũng bố trí nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu với các tình huống do mưa bão gây ra. 

 

Toàn thành phố có 606 phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá; trong đó, hơn 400 phương tiện đã neo đậu chắc chắn Cảng cá Đông Tác và các cảng cá trong tỉnh, gần 100 phương tiện đi sâu vào trong sông Chùa, neo đậu chắc chắn dọc theo kè Bạch Đằng. Nhiều phương tiện đánh bắt công suất nhỏ đã được câu kéo lên bờ, che đậy, sắp xếp theo dọc theo vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng. Đặc biệt, trong chiều 27/10, có 86 phương tiện đánh cá với 549 lao động vẫn trên biển. Các lực lượng chức năng đã được sử dụng cano tuyên truyền 115 lượt tàu cá vào neo đậu, chằng buộc tại Cảng cá Đông Tác và khu vực sông Chùa.

 

Cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố để đảm bảo an toàn. NGỌC HÂN

  

* Sông Cầu: Sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó

 

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, cho biết: Địa phương đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn tàu thuyền đến các khu neo đậu như Vũng Chào, Vịnh Hòa, Phú Vĩnh, Mỹ Thành, Trung Trinh, đầm Cù Mông…

 

Lực lượng vụ trang giúp dân gia cố nhà cửa.

 

Các thuyền nhỏ và thúng chai được ngư dân kéo lên bờ. Địa phương cũng kiên quyết không cho tàu thuyền neo đậu các khu vực không đảm bảo an toàn như sông Tam Giang, kè Thị Thạc, kè Lục Khẩu. Đến 14 giờ ngày 27/10, tất cả tàu thuyền trên địa bàn thị xã được đưa vào các khu neo đậu an toàn nói trên với tổng số lượng 2.397 phương tiện. Trên địa bàn thị xã hiện có 1.736 bè (với khoảng 3.400 lao động) đang nuôi thủy sản, ngư dân đã triển khai chằng chống, gia cố ngay tại vị trí nuôi, một số lồng nuôi được thả trệt sát đáy để tránh gió bão và mước lũ. Về sơ tán dân, đến 14 giờ ngày 27/10, tại vịnh Xuân Đài có 1.231 người đã vào bờ, còn lại 1.553 người đang gia cố bè nuôi; ở đầm Cù Mông có 345 người vào bờ, còn lại 271 người đang gia cố bè nuôi; đã sơ tán 7.330 hộ (28.092 nhân khẩu) ở vùng trũng thấp, khu vực có khả năng ảnh hưởng triều cường, khu vục không an toàn… đến nơi an toàn.

 

UBND TX Sông Cầu đã cấp phát bổ sung cho 13 xã, phường trên địa bàn 130 áo phao để phục vụ công tác ứng phó bão số 9. TX Sông Cầu và các địa phương trên địa bàn đã triển khai các phương án ứng phó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện phục vụ cứu hộ cứu nạn khi cần có yêu cầu và cử lực lượng trực 24/24 giờ trước, trong và sau bão. Thị xã đang tiếp tục triển khai sơ tán dân còn lại trên các bè nuôi trồng thủy sản và các khu vực trũng thấp, có khả năng ảnh hưởng triều cường và các khu vực xung yếu.

 

* Đông Hòa: Cơ bản hoàn tất việc sơ tán

 

Theo ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, đến 16 giờ ngày 17/10, cơ bản địa phương đã hoàn tất việc vận động người dân trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu cá và các khu vực nguy hiểm lên bờ, đảm bảo tránh trú bão an toàn.

 

Ngư dân TX Đông Hòa thả neo, buộc dây cho tàu cá tại khu vực Cảng cá Phú Lạc nhằm tránh va đập khi bão vào - Ảnh: ANH NGỌC

  

Cụ thể, tại khu vực nuôi trồng thủy sản vịnh Vũng Rô hiện có 283 bè nuôi thủy sản với số lượng khoảng 13.790 ô lồng cùng khoảng 500 lao động; 21 bè kinh doanh dịch vụ với khoảng 40 lao động. Đến thời điểm này, chính quyền địa phương đã cử lực lượng phối hợp với bộ đội biên phòng, điều gần chục ca nô tuyên truyền, vận động ngư dân trên các bè nuôi thủy sản và trên tàu cá khẩn trương gia cố lồng bè và nhanh chóng lên bờ tránh trú bão. Ngoài ra, địa phương cũng sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, các vùng trũng và khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão, lũ.

 

Trong khi đó, tại xã Hòa Thành, chính quyền địa phương cũng chủ động phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp trưởng, phó thôn vận động các hộ chăn nuôi bò dọc sông Ba di dời bò về nhà. Ông Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, cho biết: Đến 15 giờ ngày 27/10, toàn bộ 150 con bò của người dân chăn nuôi dọc bờ sông thuộc các thôn Phước Bình Bắc, Lộc Đông, Phước Lộc 2, Phú Lễ đã được di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, UBND xã Hòa Thành cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn như sõng chèo tay, cưa máy, máy phát điện, dầu diezen và các lương thực, thực phẩm, phục vụ hậu cần tại chỗ như mì gói, gạo, nước uống… sẵn sàng phục vụ cho lực lượng cứu hộ và người dân khi bị cô lập.

 

* Tây Hòa: Công nhân thi công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm về nơi tránh trú an toàn

 

Chiều 27/10, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nguyễn Trọng Tùng và Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Tấn Chân kiểm tra công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm (trên địa bàn xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa).

 

Theo báo cáo của đơn vị thi công, hiện công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, do đó nếu xảy ra mưa lũ lớn, sự uy hiếp đến an toàn công trình không đáng ngại. Để chủ động phòng tránh bão lũ, trong ngày 27/10, bên cạnh cho toàn bộ 40 công nhân vào nơi tránh trú bão an toàn, đơn vị đã cho dừng việc thi công và đưa phương tiện, máy móc tại công trình thi công đến nơi cao ráo.

 

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Tùng lưu ý nơi này thường xảy ra lũ quét, lũ ống, do đó, đơn vị thi công không được chủ quan, cảnh giác cao độ và thường xuyên theo dõi dự báo của đài khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các biện pháp an toàn cho công nhân. Khi có tình huống xấu, cần liên hệ ngay với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện để được ứng cứu kịp thời.

 

Lãnh đạo UBND huyện Tây Hòa cho biết đến chiều cùng ngày, các đơn vị trong huyện đã triển khai hoàn tất các phương án sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão số 9.

 

UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động rà soát, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.

 

* Tại Phú Hòa, ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết,ứng phó cơn bão số 9 và tình hình mưa lũ, sạt lở sau bão lũ, huyện triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó có phương án sơ tán hơn 3.400 người dân và tài sản ở vùng trũng thấp, xung yếu, ven sông Ba; chằng chống nhà cửa của nhân dân, chú trọng đến an toàn hồ đập. Ông Lê Ngọc Tínhđi kiểm tra khu vực Hồ chứa nước Lỗ Chài, xã Hòa Quang Bắc; các công trình xây dựng, hệ thống cầu, cống, kênh mương ở các xã dọc sông Ba.

 

* Tại Tuy An, chiều 27/10, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy An Bùi Văn Thành đã đi kiểm tra các điểm xung yếu có thể ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 gây ra tại các vùng xung yếu của các xã: An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Mỹ, An Chấn. Tại các điểm đến, đoàn kiểm tra công tác di dời ghe, tàu thuyền, lồng bè nuôi tôm của bà con…

 

Người dân xã An Hải (huyện Tuy An) đưa các ghe, sõng đến nơi neo đậu an toàn - Ảnh: BÙI THÀNH

  

Trước đó, sáng cùng ngày, huyện đã tổ chức họp Ban chỉ đạo PCTT-TKCN các địa phương và đã quán triệt, đưa ra kế hoạch di dời dân, tàu thuyền, bè vào nơi tránh bão; đồng thời thông báo cho nhân dân biết tình hình cơn bão số 9 để chủ động phòng tránh, chằn chống nhà cửa, có kế hoạch di dời dân cư vùng trũng thấp ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt để đảm bảo an toàn về người, tài sản; neo đậu tàu thuyền ở các bến bãi hạ lưu các sông chắc chắn, chống bừa neo, trôi dạt. Đồng thời, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã ven biển phối hợp với Đồn Biên phòng An Hải kiểm tra, hướng dẫn việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn tại nơi tránh trú, kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền, nhất là khu vực các xã ven biển có khả năng bão đổ bộ vào để hạn chế thiệt hại.

 

Tính đến 15 giờ ngày 27/10, toàn huyện có 1.033 tàu thuyền cơ bản đã vào nơi trú ẩn an toàn ở các cảng cá Tiên Châu, cửa Lễ Thịnh và các cảng cá khu vực khác như cảng Dân Phước, Vịnh Xuân Đài, cảng cá Hòa Lạc, cảng Vũng Rô… Phần lớn tàu đánh cá vào các bến cảng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận neo đậu. Số ghe còn lại đã được người dân kéo đến nơi neo đậu an toàn. Đối với lồng, bè nuôi tôm cá, toàn huyện có 2.407 lồng, 138 bè và đến thời điểm này bà con đã thả sâu sát đáy và không có người trên các lồng bè. Các địa phương cũng đã có kế hoạch di dời 1.551 hộ (5324 khẩu) tại các vùng trũng, thấp nếu bị ngập sẽ di dời đến các nhà văn hóa thôn, xã và những nơi cao ráo.

 

Các địa phương trong huyện đã sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ gây ra; nghiêm cấm người đi lại trong vùng nước xiết, vớt củi trên các sông suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để có thể ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

 

* Đồng Xuân: Rà soát các tuyến giao thông trọng điểm         

 

Sáng 27/10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đồng Xuân tổ chức họp triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 9 trên địa bàn huyện. Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ huy cấp huyện và các xã, thị trấn chủ động theo dõi, bám sát địa bàn phụ trách để kịp thời triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống bão số 9 theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cũng yêu cầu các đơn vị vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp, đảm bảo an toàn cho công trình, vùng hạ du; tạm ngưng các công trình xây dựng đang thi công, có phương an di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời cho kiểm tra các vật tư trang thiết bị, ca nô, lực lượng đảm bảo cho công tác trực, cứu nạn cứu hộ do thiên tai gây ra…

 

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Lực lượng ứng trực tại địa phương lên phương án, tối 27/10, vận động 509 hộ (1.529 người) ở vũng trũng thấp trên địa bàn 4 xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Quang 3, di dời đến vùng cao ở trường học, trụ sở UBND xã. Trên địa bàn huyện Đồng Xuân có các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Phước, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Long, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Lãnh và thị trấn La Hai gần sông Kỳ Lộ, sông Cô, sông Trà Bương, có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, huy động lực lượng ứng trực tại địa phương có phương án sơ tán dân đến các nơi cao ráo, đảm bảo an toàn. Mỗi xã, thị trấn huy động lực lượng xung kích 50 người, kiểm tra, rà soát các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là cầu cống, các tuyến kè xung yếu, các tuyến đường dễ bị sạt lở, nhất là các đoạn đường ngập sâu, nghiêm cấm người và các loại phương tiện qua lại.

 

* Sơn Hòa: Lên phương án sơ tán dân xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn

 

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, Trưởng Ban Chỉ huy huy PCTT-TKCN huyện, cho biết: Theo phương án phòng chống thiên tai, trên địa bàn huyện khi có bão lũ xảy ra, việc di dời, sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt cao chủ yếu ở 2 địa bàn là thị trấn Củng Sơn và xã Sơn Hà.

 

Hiện nay, số hộ dự kiến di dời nếu có bão đổ bộ vào là 1.244 hộ với 4.345 người. Đến cuối giờ chiều 27/10, UBND huyện đã chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN nạn huyện xuống các địa bàn được phân công, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân chằn chống nhà cửa; cắt tỉa cây cối gần nhà có nguy cơ gãy đổ khi có bão vào.

 

* Tại Sông Hinh, theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, địa phương đã hoàn thành việc di dời 38 hộ dân (58 người) đang đánh bắt cá ở lòng hồ các thủy điện Sông Ba Hạ (Ea Bá, Ea Lâm, Đức Bình Tây), Sông Hinh (Đức Bình Đông, Ea Trol, Sông Hinh và Sối Thị (Sơn Giang), thủy điện Krong năng (Ealy).

 

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Sông Hinh yêu cầu các thành viên được phân công phụ trách địa bàn, bám sát tình hình cơn bão số 9, chỉ đạo các bộ phận chức năng có những biện pháp ứng phó với cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong năm 2020, qua đó chủ động có những phương án xử lý, nếu xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện. 

 

NHÓM PV-CTV PYO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek