Theo Sở LĐ-TB-XH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 4.053 người. Trong đó, dạy nghề lao động nông thôn cho 2.315 người, gồm: nghề phi nông nghiệp 694 người, nghề nông nghiệp 1.621 người; dạy nghề cho lao động xã hội 1.738 người.
Ngành nghề mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức khảo sát theo nhu cầu người học và dạy cho lao động nông thôn gồm: Cơ khí; cơ điện lạnh thủy sản; điện lạnh; công nghệ ô tô; kỹ thuật lắp ráp máy tính; hàn; tiện; vận hành máy đào, may công nghiệp; may thời trang; điện dân dụng, điện công nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; sửa chữa bảo trì tủ lạnh; phòng và trị bệnh cho trâu, bò, gà, vịt; kỹ thuật làm bánh Âu - Á; kỹ thuật chế biến các món ăn; kỹ thuật lái ô tô; kỹ thuật trồng trọt, trồng mía, trồng nấm, trồng đậu - dưa - cà, sản xuất lúa giống; kỹ thuật trồng và cạo mủ cao su; kỹ thuật trồng lúa nước chất lượng cao, sản xuất hàng mây tre đan; kỹ thuật trồng rau sạch; tin học văn phòng; sửa chữa xe máy; sản xuất hàng da giày, túi xách…
Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 8.000 người gồm: cao đẳng 1.500 người, trung cấp 1.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 5.000 người. Trong đó, dạy nghề cho lao động xã hội 2.600 người, dạy nghề cho lao động nông thôn 2.400 người. Ở lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn có 750 người học nghề nông nghiệp và 1.650 người học nghề phi nông nghiệp; phấn đấu nâng tỉ lệ đào tạo lên 70%, trong đó qua đào tạo nghề 51%...
KIM CHI