Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Tuy An tổ chức 13 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Trong đó có 8 lớp nghề phi nông nghiệp và 5 lớp nghề nông nghiệp, với 392 học viên.
Lao động nông thôn tham gia lớp học trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Ảnh: KIM CHI |
5 lớp nghề nông nghiệp gồm 2 lớp nghề nuôi, phòng trị bệnh trâu bò ở xã An Định, An Lĩnh và 3 lớp nghề trồng lúa nước năng suất chất lượng cao ở xã An Thạch, An Ninh Tây và An Nghiệp. Các lớp nghề này đã thu hút khá đông học viên.
Ứng dụng kỹ thuật vào đồng ruộng
Ông Nguyễn Bá Lưu ở thôn 4, xã An Định, quanh năm chân lấm tay bùn, quen với thửa ruộng gia đình, thế mà vẫn còn bỡ ngỡ về kỹ thuật trồng lúa khi tham gia lớp nghề nông nghiệp trồng lúa nước năng suất cao do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An tổ chức.
Ông Lưu nói: “Tôi năm nay 60 tuổi rồi, làm nghề nông tôi khá quen, nhưng khi đăng ký tham gia lớp học mới biết lâu nay nông dân canh tác theo thói quen, tập quán cũ, cứ phân bón rồi thuốc trừ sâu là xong. Hôm nay, chúng tôi học kỹ thuật trồng lúa nước cho năng suất cao mà lâu nay chưa được biết đến, như cách chọn giống, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp khoa học với tỉ lệ nhất định”.
Tham gia lớp học ông Lưu mới biết, các kỹ thuật như quan sát màu lá lúa để bón phân phù hợp, nếu màu lá còn xanh đậm thì giảm lượng đạm, bón ít phân hơn màu lá xanh nhạt, vàng. Mực nước tưới cho cây lúa cũng cần hợp lý ở từng thời kỳ, như thời kỳ cây lúa đẻ nhánh chỉ cần lượng nước ít.
Các cách phát hiện bệnh thường gặp ở cây lúa như: đạo ôn, sâu đục thân, cuốn lá, để chẩn đoán đúng bệnh, phân biệt côn trùng có hại và không có hại để bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa hợp lý... “Ruộng lúa thực hành được chăm sóc ở các giống lúa đều cho năng suất, sản lượng cao so với năng suất chung trong vùng. Chắc chắn trong mùa tới, tôi cùng bà con ứng dụng kỹ thuật vào trồng lúa để đạt năng suất, chất lượng cao hơn”, ông Lưu tự tin cho biết.
Còn ông Nguyễn Hữu Toàn ở thôn Phong Nguyên, xã An Định vừa học xong lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chia sẻ: Tham gia lớp học, tôi mới vỡ lẽ được nhiều điều như cách thức xây dựng, vệ sinh chuồng trại thông thoáng; chọn giống, cách phối giống và kỹ thuật vỗ béo bò. Ngoài ra, tôi còn học được cách thức cho bò ăn theo phương pháp khoa học: cám, bắp kèm theo thuốc bổ để kích thích bò ăn tốt. Rơm trước đây chỉ để vậy cho bò ăn, nay tôi được học cách ủ với phân urê, vôi, muối theo tỉ lệ hợp lý để tăng chất dinh dưỡng cho bò”.
Ngoài các lớp học trên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp đào tạo nghề cho LĐNT như: kỹ thuật trồng trọt (cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp); kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm; kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản (cá, tôm nước lợ, nuôi trồng rong biển, chọn giống và nuôi thủy đặc sản nước ngọt...); đánh bắt hải sản; kỹ thuật khai thác, chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản; diêm nghiệp, khai thác mủ cao su; dịch vụ thú y...
Nâng cao chất lượng học nghề
Ông Bùi Viết Huy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An cho biết: Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của nông dân, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, từng bước gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho hội viên nông dân.
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả, khi mở lớp dạy nghề, trung tâm luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hội đoàn thể ở cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề gắn với việc làm để lựa chọn ngành nghề phù hợp với người học và điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương.
Vì vậy, sau khi học nghề, người lao động đã biết vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất hiệu quả, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập; một số lao động có tay nghề được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Bên cạnh các nghề nông nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An luôn gắn đào tạo các nghề phi nông nghiệp với cơ sở, doanh nghiệp nên học viên học xong có việc làm tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho 66 học viên. Đối với nghề chế biến món ăn, 80% học viên sau khi học xong đã tự mở dịch vụ đám tiệc… tại địa phương.
“Trong thời gian tới, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An sẽ cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho LĐNT theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới... để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề, giúp LĐNT sau khi học nghề có việc làm, thu nhập ổn định”, ông Huy nói.
Tôi năm nay 60 tuổi rồi, làm nghề nông tôi khá quen, nhưng khi đăng ký tham gia lớp học mới biết lâu nay nông dân canh tác theo thói quen, tập quán cũ, cứ phân bón rồi thuốc trừ sâu là xong. Hôm nay, chúng tôi học kỹ thuật trồng lúa nước cho năng suất cao mà lâu nay chưa được biết đến, như cách chọn giống, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp khoa học với tỉ lệ nhất định Ông Nguyễn Bá Lưu ở thôn 4, xã An Định, huyện Tuy An |
HOÀNG LÊ - NGỌC MINH