Thứ Bảy, 05/10/2024 12:24 CH
Báo động tai nạn thương tích trẻ em
Thứ Sáu, 09/05/2008 11:00 SA

Chỉ vì một phút ham chơi của trẻ, một phút sơ sểnh của người lớn mà hằng năm, nhiều trẻ em thiệt mạng hoặc mang thương tật vĩnh viễn.

 

080509-bat-sao.jpg

Mùa hè, trẻ em thường đi tắm biển. Người lớn cần chú ý để trẻ không bị những tai nạn đáng tiếc – Ảnh: D.T.XUÂN

 

TAI NẠN THƯƠNG TÍCH - CHUYỆN THƯỜNG NGÀY!

 

6 ngày nằm tại khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Yên, cậu bé Võ Văn Tin (xã An Chấn, huyện Tuy An) rất muốn về nhà, nhưng chưa đến thời hạn tháo băng vết thương. Cánh tay phải của em bị rách hình chữ L dài hơn 10 cm, là hậu quả từ việc một mình đánh cộ bò đi chở sạn. Sức của cậu bé 11 tuổi không thể làm chủ được khi con bò dở chứng kéo cộ nghiêng một bên lề đường, khiến tay em bị cành dương mới chặt xé toạc da. Mẹ em, bà Trần Thị Thu Thủy, cho biết: “Vào bệnh viện mấy ngày nay, cháu phải bỏ thi học kỳ II. Trước đây, Tin hay theo cha đi cộ bò, thấy thích nên lần này lén đi một mình. Vả lại trẻ ở quê mà, tuổi bằng thằng Tin là phải làm được nhiều việc rồi”.

 

Cô bé Huỳnh Phương Thùy (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) bị đa chấn thương sau một tai nạn giao thông. Tan học, em cùng các bạn đi bộ về thì bị chiếc xe khách 25 chỗ gạt phải. Thùy bị gãy vai và chấn động não. Khi tôi đến, Thùy không còn nhớ lúc ấy mình đi như thế nào để bị xe đụng. Còn cô bé 5 tuổi Kso H’ Nhuy, người dân tộc thiểu số, ở Krông Pa (Sơn Hòa), đang trên đường vào nhà thì bị một thanh niên chạy xe đâm phải, khiến em bị thương ở bụng và đầu. Em Phạm Đức Hiếu (xã Sơn Thành Đông huyện Tây Hòa) sau khi qua bên kia đường, đi sát lề, đã bị hai thanh niên đi mô tô gây tai nạn, làm gãy chân và dập sống mũi...

 

Tôi còn tình cờ nghe câu chuyện của một bà mẹ nói với người bạn: “Con mình mới được bác sĩ gắp hạt me ra khỏi mũi. Máu chảy nhiều lắm. Nguyên nhân là sau khi ăn me, nó đã nhét hạt vào lỗ mũi rồi lấy tay đẩy vào tận bên trong. Vài ngày sau, thấy con kêu đau mũi, mình đưa đến bác sĩ mới vỡ lẽ”.

 

080509-hieu.jpg

Tai nạn giao thông làm em Phạm Đức Hiếu (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) bị gãy chân, phải nằm viện – Ảnh: T.THỦY

 

THIẾU SỰ QUAN TÂM, THIẾU SÂN CHƠI AN TOÀN

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT). Song, có hai nguyên nhân chính làm gia tăng số trẻ em bị tai nạn, đặc biệt ở các địa bàn nông thôn và miền núi, là do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu các khu vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ.

 

Phổ biến nhất là tình trạng trẻ em phải ở một mình khi cha mẹ vắng nhà. Điều này dẫn đến xảy ra không ít trường hợp trẻ vô tình tự gây ra tai nạn cho chính mình như: điện giật, té giếng, bỏng nước sôi, té ngã do leo trèo.  Nhiều bé gái nhà ở xa trường, hàng ngày đi học phải qua các đoạn đường vắng, dễ bị xâm hại tình dục… Thêm vào đó, đời sống trẻ em không thể thiếu hoạt động vui chơi, giải trí, nhưng ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa, miền núi hoạt động này quá nghèo nàn, dẫn đến việc trẻ chỉ biết trèo cây, tắm sông suối, ao hồ…

 

Theo thống kê của BVĐK Phú Yên, chỉ trong quý I/2008, đã có trên 250 trẻ em nhập viện do tai nạn giao thông, súc vật cắn, ngã, đuối nước, tai nạn đa chấn thương vùng đầu, mặt, cổ, chân…

Trẻ bị thiệt mạng hay phải mang thương tật do tai nạn không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn gây hệ lụy cho xã hội khi phải gánh thêm việc chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ em tật nguyền. Để phòng chống TNTT cho trẻ em, người lớn phải vào cuộc. Trước hết, mỗi gia đình phải tự bảo vệ con em mình. Bởi trẻ còn non nớt trong nhận thức, không lường trước được những nguy hiểm, không biết tránh xa các nguồn có thể gây họa khi không có người lớn bên cạnh. Vì vậy, những trẻ dưới 3 tuổi phải được đặt trong tầm quan sát của người lớn. Mặt khác, môi trường an toàn ngoài gia đình cũng cần được những người có trách nhiệm quan tâm như phải có biển báo ở những nơi thường xảy ra tai nạn chết người (ao hồ, sông suối). Đặc biệt, cần có các hoạt động vui chơi lành mạnh, để các em giải trí, nhất là trong dịp hè…

 

Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Trung bình mỗi năm, Phú Yên có từ 20- 30  trẻ em tử vong và hàng trăm trẻ phải mang thương tật trên mình. Tình hình trẻ bị TNTT ngày một gia tăng, nhiều nhất là tai nạn giao thông, té ngã và chết đuối. Thương tích đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho trẻ. Vì vậy, người lớn phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con trẻ. Bản thân cha mẹ phải tự nâng cao kiến thức để biết cách chăm sóc, bảo vệ con. “An toàn để trẻ em sống và phát triển” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Vì thế, mọi gia đình, trường học và cộng đồng cần thấy được những nguy cơ và biết cách phòng tránh TNTT trẻ em, chung tay xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để mọi trẻ đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện, có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek