Thứ Bảy, 05/10/2024 18:19 CH
Lúa thổ, gạo trạo... đi vào dĩ vãng
Thứ Sáu, 02/05/2008 13:35 CH

Cây lúa thổ và gạo trạo là hai loại lương thực truyền thống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng hiện hai “đặc sá” này đang có chiều hướng mai một.

 

080502-Mi-nguyen.jpg

Mí Nguyên đang sảy gạo - Ảnh: N.PHƯƠNG

 

LÚA THỔ TRIỀN ĐỒI

 

Lúa rẫy còn gọi là lúa thổ, được xuống giống vào khoảng tháng 5 – 6 dương lịch, sau cây lúa nước. Theo kinh nghiệm dân gian, cứ mỗi lần cây dừng rụng quả, trời đổ mưa dông là bà con tiến hành trỉa lúa. Việc trỉa lúa rất đơn giản, một người đi trước dùng cọc nhọn chọc lỗ thẳng hàng, người đi sau cầm ống tre đựng lúa giống rắc xuống lỗ rồi vùi lại. Cây lúa thổ mỗi năm có 1 vụ, năng suất khoảng 20 tạ/ha, chưa bằng một nửa so với lúa nước. Lúa thổ thích hợp với vùng đất triền đồi có độ dốc vừa phải và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời mà không cần bất cứ loại phân bón nào. Từ khi trỉa lúa đến khi thu hoạch mất khoảng từ 5 – 6 tháng và chỉ trồng được 3 vụ là đất bạc màu, lúa không phát triển nữa. Điều này cũng  gắn với tập tục du canh, du cư của người đồng bào dân tộc thiểu số trước kia. Quá trình đó kéo dài vài năm, chỉ khi đất được bồi đắp phù sa do mưa lũ và sự phân hủy của lá cây rừng thì họ mới quay trở lại vùng đất cũ tiếp tục canh tác.

 

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn Sơn Hòa, hiện nay, diện tích lúa thổ toàn huyện chỉ còn hơn 980 ha, giảm gần 1.000 ha trong vòng 10 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới. Những địa bàn có diện tích lớn như, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội, nay cũng chẳng còn là bao. Nguyên nhân là do bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng kinh tế cao như : sắn, mía, mè, đậu đỏ… Mí Nguyên, ở thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa cho biết, mấy năm trước chị có 7 sào lúa thổ nhưng nay không còn nữa, vì cây lúa thổ tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp, Nhà nước không cho phá rừng, trời lại không mưa… nên đành chuyển sang trồng mía, bắp, mè… có lợi hơn. Dù biết là sau này giống lúa thổ sẽ mất nhưng chị không thể làm khác.

 

Còn Ma Huấn (xã Phước Tân) bày tỏ: “Bà con đã quên dần cây lúa thổ đá. Các loại giống quý như nếp quạ, lúa to, lúa đỏ hiện nay rất hiếm. Nói là lúa thổ rẫy, nhưng thật ra giống lúa hiện nay đã bị lai hóa, hạt gạo không còn thơm, ngon như trước kia và khả năng mai này sẽ không còn các loại giống cổ truyền nữa “.

 

MAI NÀY CÒN ĐÂU GẠO TRẠO

 

Vì thời điểm thu hoạch thường vào mùa mưa lũ, không có nắng, nên lúa sau khi cắt được đưa vào chảo lớn trạo đi trạo lại cho đến khi khô rồi đem giã thành gạo ăn giáp hạt. Khác với lúa nước, hạt gạo trạo có màu đỏ hồng rất bắt mắt. Khi nấu thành cơm, gạo không nở, cơm khô vì hạt lúa đã được làm chín khi trạo, nhưng lại vừa thơm vừa béo, nhất là khi ăn với cá khô giã muối ớt, lá é. Đối với người dân tộc thiểu số, gạo trạo rất quý và được bảo quản cẩn thận, chỉ khi có khách đặc biệt mới đem ra nấu mời cơm hay tặng một vài cân làm quà. Đây cũng chính là tấm lòng thơm thảo, mến khách của người đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Về các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, trong bữa cơm mời khách, mấy ai được thết bữa cơm gạo trạo với muối é giã với cá khô, chan canh lá dít, lá giang rừng. Dẫu biết rằng xã hội phát triển, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là rất cần thiết. Nhưng việc đồng bào bỏ hẳn lúa thổ, gạo trạo mất dần vẫn là điều đáng tiếc..

 

NGUYỄN PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek